Căn cứ pháp lý
Bộ KH&CN cho biết, Khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường quy định phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 55 Luật Đo lường quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ ‘‘Đề xuất các loại phương tiện đo nhóm 2, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 và yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo nhóm 2 để Bộ KH&CN ban hành’’.
Ngày 20/11/2022, Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1914/SKHCN-Ttra về việc rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung các Thông tư, trong đó có đề nghị Bộ KH&CN xem xét, bổ sung phương tiện đo: Thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Ngày 26/12/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8353/BCTKHCN đề xuất bổ sung bổ sung Thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Căn cứ thực tế
Trước hết, về tình hình phát triển xe điện ở Việt Nam, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast có chính sách khách hàng phải trả phí dịch vụ sạc điện theo lượng điện năng tiêu thụ tại Thiết bị sạc điện cho xe điện lắp đặt ở địa điểm công cộng như bãi đỗ xe. VinFast hiện đang là nhà sản xuất ô tô điện duy nhất tại Việt Nam.
Theo kế hoạch từng được VinFast công bố, công ty đã triển khai hơn 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện tại các bãi đỗ xe của các địa điểm trung tâm tỉnh, thành phố như chung cư, toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bãi đỗ xe công cộng, trường đại học, cao đẳng, khách sạn...
Về tình hình phát triển xe điện trên thế giới, hiện nay có khoảng 16,5 triệu chiếc ô tô điện, riêng năm 2021 tăng 6,6 triệu chiếc, riêng tháng 3 đầu năm 2022 bán ra khoảng 2 triệu chiếc. Gần 10% doanh số bán toàn cầu là ô tô điện. Năm 2021 có khoảng 1,8 triệu điểm sạc công cộng trên toàn thế giới, 1/3 trong đó là sạc nhanh. Riêng năm 2021 lắp đặt 500 nghìn bộ sạc. Ước tính năm 2040 cần 290 triệu điểm sạc để có thể chuyển đổi sang xe điện theo cam kết.
Ảnh minh hoạ
Tại Châu Âu, năm 2021 có khoảng 290 nghìn điểm sạc và mục tiêu đến năm 2025 là 1 triệu điểm sạc và đến năm 2030 là 3 triệu điểm sạc. Tại Trung Quốc, năm 2021 có khoảng 1,1 triệu điểm sạc. Mục tiêu điện khí hoá năm 2022 có đủ trạm sạc cho 20 triệu EV, phân bổ đều ở cả khu vực nông thôn và hành lang vận tải (hiện nay 70% tập trung ở Quảng Đông và Thượng Hải), 60-80% điểm dịch vụ trên đường cao tốc có trạm sạc nhanh... Xây dựng 1000 trạm đổi pin và sản xuất 100 nghìn xe có khả năng đổi pin. Nhiều chính sách thúc đẩy các ưu đãi cho việc phát triển trạm sạc ở cả trung ương và địa phương.
Tại Nhật Bản, mục tiêu đến năm 2030 có 150 nghìn điểm sạc, đòi hỏi đầu tư hạ tầng cỡ 342 triệu USD, trong đó 114 triệu USD cho các trạm sạc mới và trạm nạp nhiên liệu hydrogen. Tại Hàn Quốc, mục tiêu năm 2022 nâng từ 8.000 lên 30.000 điểm sạc với đầu tư trạm sạc chậm tăng 21 lên 65 triệu USD và sạc nhanh tăng từ 3,9 lên 32 triệu USD. Tại Thái Lan, hiện có 1.500 trạm sạc công cộng. Mục tiêu đến năm 2030 có 12.000 trạm sạc nhanh và 1.450 trạm đổi pin cho xe máy điện.
Tại Mỹ, hiện có 100 nghìn trạm sạc công cộng. Mục tiêu đến năm 2030 có 500 nghìn trạm sạc nhanh và đầu tư 5 tỷ USD cho mục tiêu này. Chính phủ Mỹ đã soạn thảo đề xuất tiêu chuẩn hóa hệ thống trạm sạc xe điện do chính phủ hỗ trợ tài chính, để đồng bộ hóa công nghệ sạc công cộng trên cả nước. Các trạm sạc có khoảng cách tối đa 50 dặm và đặt cạnh một trạm xăng truyền thống. Mỗi trạm sạc "tiêu chuẩn" cũng cần có ít nhất 4 cổng sạc thường cho phép người dùng sạc 4 xe cùng lúc và 4 cổng sạc nhanh. Tiến tới sử dụng chung một ứng dụng cho tất cả các loại trạm sạc.
Một số chính sách quản lý đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện trên thế giới
Tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) – Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành hướng dẫn OIML G 22 “Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện” (OIML G 22 - Electric Vehicle Supply Equipment - EVSE) và đề nghị các nước thành viên trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G 22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.
Tháng 8/2021, Viện Đo lường quốc gia Úc (NMI) cũng có văn bản/tài liệu chính sách đo lường đối với Trạm sạc điện cho xe điện (Electric Vehicle Charging Satations – Trade Measurement Policy Consultation Paper). NMI hiện đang tiến hành đánh giá lại toàn bộ khung pháp lý về quy định đo lường của Úc để bổ sung quy định kiểm soát đo lường đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện, trong đó có yêu cầu về việc phê duyệt mẫu và kiểm định đối với phương tiện đo này. (Nguồn: Trang thông tin điện tử của chính phủ Úc, https://consult.industry.gov.au/trade-measurement-policy-for-electric-vehicle).
Trước sự phát triển nhanh của dòng xe điện, trong khu vực và trên thế giới cũng đang trong quá trình rà soát, xây dựng văn bản quản lý và yêu cầu kỹ thuật đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện. Với các luận cứ pháp lý và thực tế nêu trên, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 23 để bổ sung Thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 là rất cần thiết.
Để đảm bảo tính logic, khoa học và thuận lợi trong công tác quản lý và triển khai tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, Bộ KH&CN hợp nhất các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23, Quyết định số 3138/QĐ-BKHCN ngày 28/10/2019 đính chính Thông tư 07 với việc bổ sung 01 phương tiện đo: Thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này. |