Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Đại án ngàn tỷ DongA Bank: Vì sao công ty Ba Son bị yêu cầu hoàn trả 250 tỷ đồng?

Mai Hương(T/H) 11:21 29/06/2020

Bị cáo Trần Phương Bình, Hội đồng định giá tài chính Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyền khai thác kinh doanh tại dự án Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện pháp lý và không có giá trị tài sản thế chấp

DAB: Yêu cầu Công ty Ba Son hoàn trả 250 tỉ đồng

Ngày 25/6, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm tiếp tục xét hỏi Trần Phương Bình (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng (HĐTD) Ngân hàng TMCP Đông Á - DongA Bank) và 11 đồng phạm có hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 8.827 tỉ đồng.

Liên quan đến hành vi cho vay không đúng quy định đối với 4 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, M&C, Đồng Tiến, Tân Vạn Hưng) gây thiệt hại số tiền hơn 8.751/8.827 tỉ đồng (hơn 75 tỉ đồng còn lại là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), hôm nay, chủ tọa đã làm rõ hành vi phạm tội của Bình và đồng phạm trong việc cho nhóm khách hàng M&C vay sai, gây thiệt hại cho DongA Bank trên 3.949 tỉ đồng.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh. Ảnh: Internet.

Theo cáo trạng, từ 2007 đến 2013, Phùng Ngọc Khánh là Tổng giám đốc Công ty M&C đã sử dụng pháp nhân của 11 công ty thuộc Nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân để vay vốn tại DAB với tổng số tiền vay là 7.106 tỷ đồng. Tính đến 24/12/2018, còn lại các khoản vay của 9 công ty với dư nợ là 7.739 tỷ đồng (gồm gốc và lãi).

Trong số đó, có 4 công ty với 5 khoản vay có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (dự án Sài Gòn - Ba Son), với tổng số dư nợ là 3.949 tỷ đồng. Trong đó, Công ty An Bình An có một khoản vay với tài sản đảm bảo là 25.000 trái phiếu của Công ty CP M&C.

Đến nay, các công ty này không còn hoạt động kinh doanh, không có khả năng tài chính, không có tài sản gì khác để trả nợ cho DAB. Dự án Sài Gòn - Ba Son do chủ đầu tư khác thực hiện, các công ty này không có quyền tài sản đối với dự án này, nên dự án này không có giá trị bảo đảm cho các khoản vay còn dư nợ; trái phiếu của Công ty CP M&C phát hành không đúng quy định của pháp luật, đã hết hạn nên không còn giá trị.

Đối với dư nợ của 4 công ty trên, khi đến hạn trả nợ gốc và lãi các khoản vay tại DAB của các công ty thuộc nhóm M&C trước đó, nhưng Phùng Ngọc Khánh không còn nguồn tài chính nào để trả nợ cho DAB nên Phùng Ngọc Khánh đã trao đổi, bàn bạc với Trần Phương Bình cho Khánh sử dụng pháp nhân của các công ty trong nhóm đứng tên vay tại DAB để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.

Tại tòa, ông Trần Phương Bình khai dù biết M&C đang có dư nợ lớn tại ngân hàng DAB nhưng ông Bình cho rằng đầu tư vào Sài Gòn - Ba Son sẽ đem lại nguồn lợi về kinh tế, có thể giúp M&C trả được nợ cho DAB; đồng thời ông Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại ngân hàng này.

Ông Bình bàn với Phùng Ngọc Khánh sử dụng công ty nhờ em vợ đứng tên thực hiện hợp đồng để hợp tác đầu tư với M&C thực hiện dự án Sài Gòn - Ba Son, sau đó, sử dụng công ty này vay 250 tỉ đồng tại DongA Bank, chuyển cho M&C. Khi nhận được 250 tỉ đồng, M&C đã chuyển cho Công ty Ba Son.

Đến hạn, M&C không trả được tiền, Bình lại chỉ đạo nhân viên làm thủ tục vay khống cho M&C vay 270 tỉ đồng để đáo hạn nợ, tài sản đảm bảo khoản vay là quyền khai thác kinh doanh 15.300 m2 tháp căn hộ 38 tầng thuộc dự án khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba son.

Theo đó, ông Bình đã chỉ đạo nhân viên DAB cho các công ty thuộc Nhóm khách hàng M&C vay tiền để đảo nợ và nhận tài sản đảm bảo là dự án Sài Gòn - Ba Son để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay tại DAB.

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình, Hội đồng định giá tài chính Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyền khai thác kinh doanh tại dự án Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện pháp lý và không có giá trị tài sản thế chấp, dẫn đến thiệt hại DongA Bank trong khoản vay này là 270 tỉ đồng. Hội đồng định giá tài chính Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận nội dung này.

Toàn cảnh đại án DAB giai đoạn 1

Ngoài ông Bình, còn có 11 người khác bị truy tố gồm Nguyễn Đức Tài - nguyên giám đốc DAB sở giao dịch; Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên phó tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng tín dụng DAB; Nguyễn Tăng Ngọc Linh - nguyên phó giám đốc DAB chi nhánh quận 10, TP.HCM; Nguyễn Chí Thiện - nguyên cán bộ tín dụng DAB chi nhánh quận 10; Nguyễn Chí Công - nguyên phó phòng tín dụng thuộc DAB sở giao dịch; Phạm Huy Luận - nguyên giám đốc DAB chi nhánh quận 4... và Phùng Ngọc Khánh - chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C.

Trước đó, giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại DAB, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt ông Trần Phương Bình tù chung thân. Ông Trần Phương Bình và cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cùng 24 bị cáo khác gây thiệt hại 3.600 tỉ đồng. Phan Văn Anh Vũ bị tuyên phạt 25 năm tù giam.

Cơ quan điều tra xác định ông Trần Phương Bình và các đồng phạm nêu trên liên quan đến các khoản vay thuộc 5 nhóm khách hàng gồm: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng và Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc.

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2013, ông Trần Phương Bình với vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch hội đồng tín dụng DAB đã chỉ đạo các bị can trong vụ án và những người liên quan khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỉ đồng.

Trong đó, hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, cho 4 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng) gây thiệt hại số tiền hơn 8.751 tỉ đồng.

Theo đó, ông Bình và đồng phạm đã gây thiệt hại cho DAB hơn 3.139 tỉ đồng khi cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia, TTC vay tiền. Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới cho các công ty thuộc nhóm khách hàng M&C vay 1.675 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 3.949 tỉ đồng.

Ông Trần Phương Bình còn vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng trong việc cho các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến vay tín chấp không đúng quy định gây thiệt hại cho DAB hơn 393 tỉ đồng.

Ông Bình còn đưa ra chủ trương và chỉ đạo DAB chi nhánh quận 10 chuyển dư nợ các khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng và doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền về DAB sở giao dịch để cơ cấu.

Để tránh nợ xấu cho ngân hàng, ông Bình chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên tại DAB sở giao dịch cơ cấu các khoản vay vàng đến hạn thành dư nợ Việt Nam đồng và cho vay 2 khoản vay mới không có tài sản đảm bảo.

Tiếp tục cơ cấu thành 3 khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng của doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền và xác định khách hàng này không đủ khả năng tài chính trả nợ, các hợp đồng được tái cơ cấu đều quá hạn hơn 1 năm… Hành vi của ông Bình cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 1.269 tỉ đồng.

Để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay, ông Trần Phương Bình đã nhờ người khác đứng tên vay ở DAB. Sau đó, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ chứng từ thu, nộp khống chiếm đoạt DAB tổng số tiền hơn 75 tỉ đồng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dai-an-ngan-ty-donga-bank-vi-sao-cong-ty-ba-son-bi-yeu-cau-hoan-tra-250-ty-dong-d78383.html

Bạn đang đọc bài viết Đại án ngàn tỷ DongA Bank: Vì sao công ty Ba Son bị yêu cầu hoàn trả 250 tỷ đồng? tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước