Bộ Xây dựng xem xét hạ giá thành dự án nhà ở xã hội để thúc đẩy phát triển phân khúc bất động sản nhà ở giá rẻ phát triển. |
Theo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, qua điều tra khảo sát, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp còn yếu và mới chỉ đáp ứng 40% mục tiêu đề ra do pháp luật chưa có chính sách khuyến khích loại hình này.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu chính sách để thu hút nhà đầu tư vào nhà thương mại giá thấp. Cùng với đó, Bộ đề xuất nhóm giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp.
Một trong những cơ chế được ưu tiên hàng đầu là hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp: Giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỉ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỉ đồng cấp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước để cấp bù lãi suất cho vay.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Điều 110 Luật Đất đai cho phép Chính phủ quy định miễn giảm tiền sử dụng dất. Với nhà ở thương mại giá thấp, chúng tôi đề xuất xem xét giảm 50% tiền sử dụng đất. Tại các khu đô thị, ngoài 20% diện tích đất nhà ở xã hội, chúng tôi đề xuất có 20% nhà ở thương mại giá thấp”.
Các dự án này cũng sẽ được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính để dự án thực hiện nhanh, thuận lợi hơn.
Ngoài ra các chính sách như xem xét vay ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nhà thương mại giá thấp hay chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án cũng là những vấn đề được Bộ Xây dựng lưu ý.
Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ xem xét cho những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp được ưu đãi về vốn với mức lãi suất 7 - 8%. Đây là mức lãi suất thấp hơn nhiều lãi suất vay đầu tư bất động sản hiện nay”.
Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia đề xuất nghiên cứu, xem xét điều chỉnh việc thực hiện những Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ tại nhiều địa phương, nhằm hạn chế tối đa tình trạng các dự án chậm thi công do vướng mắc về thủ tục pháp lý, "đắp chiếu" chờ đợi phê duyệt.
Theo Bình Minh/Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường