Hà Nội, Thứ Năm Ngày 10/10/2024

Dự án Splendora nợ hơn 3.400 tỷ, Vinaconex muốn bán đứt hoặc mua lại toàn bộ

DTVN 15:28 21/06/2020

Nhằm quy về một mối để nhanh chóng triển khai dự án Splendora đã "giậm chân" nhiều năm nay, Vinaconex muốn bán đứt 50% vốn hoặc sở hữu toàn bộ dự án.

Bất chấp đại dịch Covid-19, Vinaconex vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2020 dự kiến họp vào ngày 29/6 tới đây.

Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 Vinaconex vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.

Tổng doanh thu của doanh nghiệp ước đạt 9.530 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% song lãi sau thuế vẫn tăng 4% lên 820 tỷ đồng. Đáng chú ý mức cổ tức dự kiến là 12%, tăng gấp đôi so với năm 2019. Doanh nghiệp trình cổ đông dự chi 265 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt năm 2019 cho cổ đông, tỷ lệ 6% (600 đồng/cp).

Với hoạt động xây dựng, doanh nghiệp cho biết 6 tháng đầu năm Tổng Công ty đã trúng thầu các lô F&M tại dự án Foxconn Bắc Giang, gói Phòng cháy chữa cháy tại dự án Goertek Bắc Ninh, gói thầu thi công trạm điện và nhà chilier tại dự án Crystal Martin Bắc Giang, gói thầu thi công cầu Vàm Trà Lọt nhà xưởng BW Phú Nghĩa…

Về hoạt động đầu tư bất động sản, năm 2020 Vinaconex phấn đấu bàn giao và quyết toán các dự án 2B Vinata, dự án Bohemia 25 Nguyễn Huy Tưởng và 97 – 99 Láng Hạ. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh tiến độ các dự án 93 Láng Hạ, D9 Thanh Xuân, Khu đô thị mới Thiên Ân, văn phòng kết hợp chung cư 442 Lê Hồng Phong – Nha Trang, Khu đô thị Móng Cái, dự án Bãi tắm Hạ Thanh – Tam Kỳ - Quảng Nam, Khu tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển Tuy Hòa – Phú Yên, Khu đô thị Cát Bà Amatina tại Cát Bà - Hải Phòng đồng thời tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo tờ trình, Vinaconex dự kiến chào bán hơn 66 triệu cổ phần, tương đương 15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua nhằm tăng vốn.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 20:3, giá chào bán là 15.000 đồng/cp tương ứng với tổng giá trị phát hành khoảng 994 tỷ đồng.

Gần 994 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng vào dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng condotel resort ven biển Tuy Hòa, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, Phú Yên.

Ngoài ra số tiền này còn dùng để làm vốn đối ứng của Vinaconex tham gia vào các dự án BOT ở một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 như: đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, đoạn Nha Trang – Cam Lâm, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây. Sau khi phát hành thành công hơn 66 triệu cổ phần, Vinaconex sẽ tăng vốn điều lệ từ 4.417 tỷ lên khoảng 5.080 tỷ đồng.

Tại đại hội Vinaconex sẽ trình cổ đông phương án chuyển niêm yết cổ phiếu VGC từ HNX sang HOSE khi khi cổ phiếu đủ điều kiện niêm yết. Ngoài ra, Vinaconex xin ý kiến cổ đông tiếp tục hoạt động theo mô hình Tập đoàn – nhóm Công ty.

Mua đứt hoặc bán toàn bộ 50% sở hữu ở dự án Splendora

Tờ trình quan trọng trong đại hội là việc tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

An Khánh JVC được thành lập từ năm 2006, là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora). An Khánh JVC có vốn điều lệ gần 681 tỷ đồng trong đó Vinaconex sở hữu 50% còn 50% nắm bởi CTCP Địa ốc Phú Long.

Ban đầu dự án do Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) và Vinaconex nắm mỗi bên 50% vốn, tuy nhiên tới năm 2018 Posco E&C đã chuyển nhượng 50% vốn cho Địa ốc Phú Long – công ty bất động sản thuộc Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air.

Vinaconex giải trình nguyên nhân tái cấu trúc An Khánh JVC là hiện với cơ cấu vốn góp 50/50 của hai thành viên trong Công ty sẽ có bất lợi về mặt thời gian trong việc triển khai dự án do các vấn đề trọng yếu đều phải đạt được sự đồng thuận của hai thành viên. Đó là một trong những lý do gây ra sự đình trệ của dự án trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh đó, khoản nợ vay tài chính của An Khánh JVC lên tới 3.406 tỷ đồng làm phát sinh chi phí tài chính hàng năm rất lớn, tăng áp lực tài chính và tăng số lỗ lũy kế hàng năm gây ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu đầu tư bất động sản của Vinaconex.

Với mục tiêu thống nhất là nhằm đi tới một đầu mối để nhanh chóng triển khai dự án Spledora, Vinaconex đề nghị cổ đông phê duyệt phương án tái cấu trúc phần vốn góp của Vinaconex theo hai phương án.

Phương án thứ nhất, Vinaconex sẽ đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC cho Địa ốc Phúc Long hoặc các nhà đầu tư có nhu cầu để thu hồi vốn.

Phương án thứ hai là Vinaconex sẽ đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn của thành viên góp vốn còn lại tại An Khánh JVC để chủ động điều hành và triển khai dự án.

Về dự án Splendora có diện tích đất 264,4 ha nằm tại huyện Hoài Đức, Hà Nội trong đó 50,7 ha đã được thực hiện còn lại gần 195 ha (không bao gồm 18,5 ha trả lại Thành phố). Hiện dự án đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất với nhà nước.

Dự án Slendora được cấp chứng nhận đầu tư vào ngày 8/12/2006. Khi đó tổng mức đầu tư được công bố dự tính là 2,57 tỷ USD. Tháng 2/2007 dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 8/2007.

Đến năm 2009 thì giai đoạn 1 khoảng 50ha (khu nhà ở cao cấp) được khởi công xây dựng và đã hoàn thành vào 2013 (quy mô 1.049 biệt thự, nhà liền kề và chung cư).

Sau hàng chục năm xây dựng thì tới nay dự án Splendora mới chỉ hoàn thành được 1/5 diện tích.

Theo Hoàng Kiều/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/du-an-splendora-no-hon-3400-ty-vinaconex-muon-ban-dut-hoac-mua-lai-toan-bo-d77970.html?fbclid=IwAR0FJfZVWq_hEBa9V2L4RoH2WtlpLErw8UeulhlTYIrYlRSzfED1CO2qF_0

Bạn đang đọc bài viết Dự án Splendora nợ hơn 3.400 tỷ, Vinaconex muốn bán đứt hoặc mua lại toàn bộ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp