Năm 2020, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền
Báo cáo triển vọng ngành 2020 của BSC cho rằng, câu chuyện mới về sự ra đời của các quỹ ETF sẽ khiến các cổ phiếu có vốn hóa lớn có mức định giá hấp dẫn, thanh khoản tốt và có nhiều khả năng nhận được sự quan tâm hơn của dòng tiền.
Do đó, BSC kỳ vọng, nhóm vốn hóa lớn trong các ngành ngân hàng, bán lẻ và IT sẽ là nhóm duy trì được hiệu suất tốt so với VN-Index trong năm 2020.
Bên cạnh sự xuất hiện của các quỹ ETF mới, nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng là bởi khối ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số (là một trong số ít ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao cùng với mặt bằng định giá còn thấp).
Đặc biệt, năm 2020 là năm hạn chót về lộ trình niêm yết của nhóm ngân hàng theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, nếu thực hiện đúng chỉ đạo trên, sẽ có 16 ngân hàng phải lên niêm yết hoặc chuyển từ sàn UPCoM sang sàn niêm yết trong năm nay.
Trong quý I/2020, do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường giảm mạnh, đưa mức định giá nhiều cổ phiếu về mức thấp, mở ra cơ hội để mua các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt tại vùng giá hấp dẫn, điều khó thực hiện trong điều kiện thị trường thông thường. Cụ thể, tính đến hết ngày 31/3/2020, chỉ số VnIndex sụt giảm mạnh (-31%) so với đầu năm, có thời điểm giảm xuống mức 959 điểm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33 phiên liên tiếp với giá trị bán ròng cả quý I khoảng 9.200 tỷ đồng.
Bước sang quý II, nối tiếp sự hưng phấn của đà tăng trong tháng 4 với nhiều yếu tố thuận lợi, TTCK đã hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các thông tin tích cực dù hiện tại thị trường đang điều chỉnh giảm xuống 870 điểm nhưng triển vọng vẫn sáng. Có được điều này là nhờ:
Thứ nhất, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt ở Việt Nam và sự kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, gồm chính sách tài khóa và tiền tệ đã củng cố niềm tin của thị trường; Thứ hai, TTCK thế giới có diễn biến tích cực khi nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế, giúp TTCK hồi phục, góp phần củng cố tâm lý nhà đầu tư Việt Nam. Cụ thể, TTCK Mỹ đã phục hồi hơn 30% từ đáy, các thị trường lớn ở châu Âu, châu Á đều phục hồi mạnh; Thứ ba, giá nhiều cổ phiếu đã rơi quá sâu và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Dòng tiền mới từ nhà đầu tư trong nước góp phần giúp thị trường có thêm sắc màu đầu tư mới. Bên cạnh đó, biện pháp cách ly, giãn cách xã hội khiến một lượng lớn doanh nghiệp, cá nhân tạm ngừng kinh doanh; dòng tiền có thể được đưa vào kinh doanh bị ngưng trệ có thể chuyển sang TTCK nhằm kiếm lời, thực tế, tài khoản chứng khoản mở mới trong tháng 3 và tháng 4 ghi nhận tăng đột biến.
Trong bối cảnh, thị trường chứng khoán có xu hướng tăng trở lại, xóa tan những nghi ngờ về sự điều chỉnh sau dịch bệnh, một số chuyên gia cho rằng, các quý còn lại năm 2020, thị trường sẽ tiếp tục có thay đổi chứa đựng nhiều cơ hội
Nhận diện các cổ phiếu tiềm năng
Trong quý I, có nhiều nhận định cho rằng, cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực do các ngân hàng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo theo nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng tăng và lợi nhuận giảm khi thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay vốn. Do đó, các khuyến nghị đối với cổ phiếu ngân hàng là "trung lập", "kém khả quan" và cần thận trọng khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh, trong đó có một số mã giảm 25 - 30% so với đầu năm 2020.
Bước sang tháng 5, dựa trên triển vọng lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2020 - 2021, một số chuyên gia nhìn nhận, cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư trung hạn và đây là thời điểm thích hợp để mua dần vào, tích lũy cho quý III và IV. Tuy nhiên, lựa chọn cổ phiếu như thế nào để đầu tư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và nhà đầu tư cần cân nhắc cẩn trọng... Một số cổ phiếu có mức giá hấp dẫn, hồi phục mạnh từ tháng 4 đến nay như: STB (Sacombank), HDB (HDBank), TCB (Techcombank), NVB (NCB)…
Phân tích cổ phiếu ngân hàng rất phức tạp, theo các chuyên gia, nhà đầu tư không những chỉ nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận mà còn phải cần chú ý đến các chỉ số như: ROE, ROE và tiềm năng phát triển của ngân hàng cũng như các vấn đề khác như thu hút vốn nhà đầu tư, diễn biến tái cơ cấu của ngân hàng, ban lãnh đạo…
Chẳng hạn với cổ phiếu NVB, ngân hàng này gần đây kinh doanh khá tích cực. Năm 2019, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ nhằm phát triển ngân hàng theo hướng Ngân hàng số; các chỉ số về hiệu quả kinh doanh đều tăng trưởng tốt. NCB cũng đạt tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao và đặc biệt vẫn còn room dành cho nhà đầu tư nước ngoài
Nhiều ý kiến cho rằng, do tác động bởi dịch bệnh nên giá nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, trong khi kết quả kinh doanh dù bị ảnh hưởng nhưng không quá xấu như lo ngại ban đầu, vì Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt.
Do vậy, với các thông tin hỗ trợ xuất hiện, trong khi mức định giá cổ phiếu ở vùng thấp nhất 5 năm, lực cầu cổ phiếu ngân hàng dần tăng mạnh.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ