Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Pfizer bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho thuốc điều trị COVID-19

VIETQ 17:49 02/09/2021

Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer vừa đưa ra thông báo chính thức rằng họ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 cho loại thuốc viên điều trị COVID-19.

Ngày 1/9, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer đưa ra thông báo chính thức về việc hãng này bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 cho loại thuốc viên điều trị COVID-19.

--

Trao đổi với báo chí, Pfizer cho biết, họ đang bắt đầu thử nghiệm với 1.140 người nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ. Nếu thành công, thuốc có khả năng giải quyết nhu cầu y tế đáng kể chưa được đáp ứng, cung cấp cho bệnh nhân một liệu pháp uống mới, có thể được kê đơn khi có những dấu hiệu nhiễm virus đầu tiên mà không phải nhập viện.

Theo đó, một thử nghiệm riêng biệt đã được Pfizer bắt đầu thực hiện vào tháng 7 dành cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng. Hãng nói rằng sẽ có công bố kết quả thử nghiệm này vào mùa thu năm nay.

Không chỉ Pizer, những hãng dược phẩm khác cũng tham gia vào cuộc đua nghiên cứu phương thuốc điều trị COVID-19.

Hãng dược Merck cho biết, đợt thử nghiệm mới của họ sẽ nghiên cứu thuốc molnupiravir để điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng.

Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối thuốc molnupiravir đối với các bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không phải nhập viện để đánh giá liệu thuốc có làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong hay không.

Trước đó, hồi tháng 6, hãng dược Merck cho biết, chính phủ Mỹ đã đồng ý đặt mua khoảng 1,7 triệu với giá trị 1,2 tỷ USD, nếu thuốc được các cơ quan quản lý cấp phép sử dụng điều trị COVID-19.

Cho đến nay, thuốc tiêm tĩnh mạch Veklury của hãng Gilead Sciences, được gọi chung là remdesivir, là phương pháp điều trị COVID-19 được chấp thuận tại Mỹ.

Biến chủng virus corona tên Mu nguy cơ tránh hệ mĩnh dịch

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang giám sát một biến chủng virus corona mới tên là Mu, được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1 năm nay.

Mu, tên khoa học là B.1.621, được phân loại là “biến chủng quan tâm”, WHO cho biết trong bản tin hằng tuần hôm 31/8.

WHO nói rằng Mu có những đột biến có khả năng kháng các loại vắc-xin, nhưng nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm để hiểu về nó. Biến chủng Mu có một chùm đột biến cho thấy tiềm năng tránh được hệ miễn dịch.

Giới chuyên gia đang lo ngại về sự xuất hiện của những biến chủng virus mới khi số người mắc bệnh trên toàn cầu tăng trở lại, trong đó biến chủng Delta vẫn chiếm vị trí thống trị, nhất là trong những người chưa tiêm chủng và những khu vực triển khai các biện pháp chống dịch lỏng lẻo.

Tất cả virus, bao gồm SARS-CoV-2 gây COVID-19, đều đột biến qua thời gian và hầu hết đột biến ít hoặc không ảnh hưởng đến tính chất của virus. Nhưng một số đột biến vẫn có thể thay đổi khả năng lây lan, độc tính, khả năng kháng vắc-xin, thuốc và các biện pháp đối phó khác.

WHO hiện phân loại 4 biến chủng gây COVID-19 vào loại gây quan ngại, trong đó biến chủng Alpha đang hiện diện ở 193 quốc gia, biến chủng Delta ở 170 quốc gia. Năm biến chủng khác, trong đó có biến chủng Mu, đang được giám sát.

Sau khi được phát hiện ở Colombia, Mu được phát hiện ở một số nước Nam Mỹ và châu Âu khác. Tại Colombia, Mu đang gây ra 39% số ca bệnh.

Hôm nay, ngày 2/9, Nhật Bản phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Mu. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho hay, trong quá trình nghiên cứu cấu tạo gene của các mẫu bệnh phẩm đã được thu thập trước đó, giới chức y tế Nhật Bản đã phát hiện 1 phụ nữ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 và 1 phụ nữ khác từ Vương quốc Anh đến sân bay Haneda vào đầu tháng 7 đều nhiễm biến thể Mu.

Đài truyền hình NHK dẫn lời Tổng Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Wakita Takaji cho rằng, có nhiều biến thể mới đang được xác nhận, nhưng cần phải chú ý tới các biến thể có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể khác.

Tại trong nước, tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 473.530 ca nhiễm, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.817 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 469.311 ca, trong đó có 245.948 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (226.622), Bình Dương (118.228), Đồng Nai (24.525), Long An (22.638), Tiền Giang (9.846).

Link gốc : https://vietq.vn/pfizer-bat-dau-thu-nghiem-lam-sang-giai-doan-2-cho-thuoc-dieu-tri-covid-19-d190766.html

Bạn đang đọc bài viết Pfizer bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho thuốc điều trị COVID-19 tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế