Hà Nội, Thứ Năm Ngày 10/10/2024

Tổng giám đốc WTO lên tiếng về bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine COVID-19

DOANH NHÂN VIỆT NAM 11:38 22/07/2021

Trong 1,1 tỷ liều vaccine sản xuất tháng 6, chỉ 1,4% đến tay người châu Phi, chiếm 17% dân số toàn cầu; 0,24% liều vaccine thuộc về các nước có thu nhập thấp.

Theo VietNam+ thông tin từ Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala ngày 21/7 đã có bài phát biểu về việc mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai vaccine tuy được đẩy nhanh song tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn còn nhiều thách thức.

Trong tháng 6/2021, 1,1 tỷ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn 45% so với tháng 5/2021 và hơn gấp đôi tổng số cho tháng 4/2021.

Chương trình COVAX hiện đã cung cấp hơn 134 triệu liều cho 136 nền kinh tế. Việc sản xuất vaccine cũng đang tăng lên.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO - Ảnh: Reuters

Theo công ty nghiên cứu Airfinity, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), hơn 1 tỷ liều vaccine nữa đã được sản xuất vào tháng 6/2021, nâng tổng sản lượng toàn cầu vào giữa tháng Bảy lên 3,8 tỷ.

TTXVN thông tin thêm trong số 1,1 tỷ liều vaccine sản xuất vào tháng Sáu, chỉ 1,4% đến tay người dân châu Phi, chiếm 17% dân số toàn cầu. Chỉ 0,24% thuộc về những người ở các nước có thu nhập thấp.

Ở các nước phát triển, 94 liều vaccine đã được tiêm cho mỗi 100 người dân. Trong khi châu Phi, tỷ lệ này là 4,5, còn ở các nước thu nhập thấp con số là 1,6.

Ở châu Phi, chỉ có 20 triệu người, tương đương 1,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, so với 42% người dân ở các nước phát triển.

Hồi tháng Năm, bà Okonjo-Iweala và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cùng với các đối tác từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi 50 tỷ USD đầu tư trước vào việc tăng cường tiêm chủng trên khắp thế giới nhằm cứu được nhiều mạng sống và thúc đẩy nền kinh tế thế giới.

Tiếp cận không bình đẳng với vaccine là lý do chính cho sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu hình chữ K, trong đó các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế khác đang vượt lên phía trước, còn phần còn lại tụt hậu trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp gia tăng.

Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp cận với vắc-xin an toàn sẽ không bình đẳng, cả trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Tại các quốc gia, các cơ quan y tế đã chuẩn bị các kế hoạch ưu tiên chiến lược, trước tiên cung cấp vắc xin cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng; sau đó là đến những người sống ở các điểm nóng về dịch tễ; và cuối cùng là đối với phần còn lại của dân số. Giữa các quốc gia, chắc chắn rằng những quốc gia sản xuất vắc-xin sẽ nhận được vắc-xin trước và những quốc gia trả tiền nhiều hơn sẽ nhận được vắc-xin sớm hơn.

Vì không thể chấp nhận được việc những người có nguy cơ thấp ở các nước giàu có tiêm vắc-xin trong khi nhân viên y tế ở các nước thu nhập thấp và trung bình thì không, Tổ chức GAVI, Liên minh vắc-xin (một tổ chức tài trợ vắc-xin cho các nước thu nhập thấp có trụ sở tại Geneva), Liên minh Đổi mới chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI5) và Tổ chức Y tế Thế giới đã thành lập Cơ sở Tiếp cận Toàn cầu Vắc xin COVID-19 (COVAX). COVAX đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vắc xin COVID-19, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới bằng cách đảm bảo 2 tỷ liều vắc-xin đủ để bảo vệ những người có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương, cũng như nhân viên y tế tuyến đầu.

Một tỷ liều vắc-xin đã được dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMICS), chiếm một nửa dân số thế giới. Tất cả các quốc gia tham gia, bất kể mức thu nhập, sẽ được tiếp cận bình đẳng với các loại vắc-xin này khi chúng được phát triển. Đối với các quốc gia có thu nhập thấp hơn không đủ khả năng mua các loại vắc-xin này, và ngay cả một số quốc gia có thu nhập cao hơn không có thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất, COVAX thực sự là một cứu cánh và là cách khả thi duy nhất để công dân của họ sẽ được tiếp cận với vắc-xin COVID-19. Nam Phi và Ấn Độ đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ để vắc xin COVID-19 và các công nghệ mới khác có thể tiếp cận được đối với các nước nghèo.

Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/tong-giam-doc-wto-len-tieng-ve-bat-binh-dang-trong-vaccine-35857.html

Bạn đang đọc bài viết Tổng giám đốc WTO lên tiếng về bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine COVID-19 tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự