Các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cho biết, rất khó phân biệt các triệu chứng mắc Covid-19 và những phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine vì có nhiều người không xét nghiệm Covid-19 trước khi tiêm phòng.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị người dân sau khi tiêm vaccine cần đi khám nếu có hiện tượng sốt liên tục trong 2 ngày hoặc lâu hơn, đồng thời có các triệu chứng khác của bệnh Covid-19 như ho, thở gấp, hoặc mất vị giác hay khứu giác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng lưu ý rằng, sau khi tiêm cơ thể cần vài tuần để hình thành các miễn dịch đủ mạnh để chống lại virus SAR-CoV-2. Do đó, cho dù đã tiêm vaccine thì việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng tránh cộng đồng theo khuyến cáo của cơ quan y tế là vẫn cần thiết.
Liên quan tới vấn đề cùng tiêm vaccine nhưng có người bị sốt, có người lại không, ThS.Nguyễn Quốc Khánh cho biết, các hiện tượng sốt, đau nhức, chóng mặt, dị ứng, co giật hay bất cứ điều gì bất thường sau tiêm chủng đều được gọi chung là “phản ứng sau tiêm chủng”.
Vắc-xin chính là cho hệ miễn dịch cơ thể “tập trận”. Nôm na chúng ta có thể hiểu: vaccine được tạo ra từ kháng nguyên đã chết hoặc gần chết, các nhà khoa học làm cho “địch” là con virus vốn rất nguy hiểm trở nên mất khả năng “chiến đấu” hoặc “xé” một phần đặc trưng của nó, sau đó tiêm nó vào cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ nhận diện “kẻ địch” này theo đúng quy trình, tất nhiên, lúc này “kẻ địch” chỉ là xác chết hoặc đã suy yếu nên không có khả năng gây hại cho cơ thể.
Giải thích về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sốt sau khi tiêm vaccine, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trong não chúng ta cũng có một vùng, với tên gọi là “vùng hạ đồi. Chức năng của nó là để nhận biết và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, tầm trên dưới 37 độ C với người bình thường.
Khi cơ thể bị vi khuẩn hoặc virus tấn công, chúng giải phóng ra một số hoá chất vào máu nhằm làm suy yếu cơ thể. Lúc này cơ quan “vùng hạ đồi” nhận lệnh có sự tấn công đe doạ cơ thể, nó sẽ điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn bình thường, từ 37 độ C lên 39-40 độ C, thậm chí cao hơn, đó chính là sốt.
Sốt như một cơn dự báo chính xác về tình trạng nhiễm trùng của cơ thể, là báo động của cơ thể khi bị tổn thương. Như vậy, khi vaccine được tiêm vào, cơ thể cũng sẽ nhận diện nó với cơ chế tương tự như thế. Cơ thể nóng lên tức là hệ miễn dịch đang vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ cơ thể của người được tiêm.
Về việc sau khi tiêm có người bị sốt có người lại không, ThS.Nguyễn Quốc Khánh cho biết, hệ miễn dịch của mỗi người sẽ có cách nhận diện “kẻ địch” và phản ứng sau tiêm chủng khác nhau.
Vaccine sẽ tạo ra số lượng kháng thể nhất định nhưng khoảng thời gian tạo ra đủ theo kế hoạch sản xuất thì mỗi người sẽ khác nhau. Có thể sốt, có thể không, nhưng đích đến cuối cùng vẫn đảm bảo hiệu quả của vaccine.
Cơ thể sốt sau tiêm có nghĩa là hệ miễn dịch đang “nóng nảy” chiến đấu ác liệt với “kẻ địch”. Còn với người không sốt, không có nghĩa là hệ miễn dịch không chiến đấu, mà nó chiến đấu bằng cách nhẹ nhàng hơn.
Ông Khánh khẳng định, dù cơ thể có sốt hay không sốt, thì sau khi tiêm vắc xin COVID-19, hệ miễn dịch sẽ nhận diện virus SARS-CoV-2 và đưa chúng vào danh sách tiêu diệt, để lần tới nếu con virus này xâm nhập cơ thể, thì hệ miễn dịch sẽ auto tiêu diệt.
Như vậy, sốt hay không sốt cũng mang lại hiệu quả miễn dịch tương đương nhau, hệ miễn dịch sẽ học được cách đánh để triển khai thế trận khi có “địch” xâm nhập cơ thể.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo