Theo kết quả nghiên cứu do Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) - đơn vị thuộc tờ báo The Economist thực hiện, các nước không tiêm đủ vaccine cho 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ chịu tổn thất tương đương 2.000 euro (2.348 tỉ USD) trong giai đoạn 2022-2025.
Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ phải gánh chịu khoảng 70% khoản thiệt hại trên vì tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn kém xa các nước giàu hơn. EIU cảnh báo sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine có thể làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội.
Theo nghiên cứu của EIU, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nhất khi chiếm 3/4 tổng số tiền thiệt hại trên. Tuy nhiên, nếu xét về tỉ lệ phần trăm của GDP, khu vực phía nam sa mạc Sahara, châu Phi chịu tổn thất nặng nhất.
EIU đánh giá tốc độ tiêm chủng tại các nền kinh tế thu nhập thấp là chậm chạp. Tính đến cuối tháng 8/2021, khoảng 60% dân số của các nước thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi tỉ lệ này chỉ là 1% tại các nước thu nhập thấp hơn.
Bà Agathe Demarais, tác giả chính nghiên cứu cho rằng nỗ lực của quốc tế nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo đã không đạt mục tiêu dù chỉ được đề ra ở mức vừa phải. Bà nhận định có rất ít cơ hội để có thể cân bằng khả năng tiếp cận vaccine giữa các nước, đồng thời cảnh báo việc các nền kinh tế phát triển đang tiến tới tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguyên liệu thô và tạo nút thắt trong khâu sản xuất.
Việc chậm trễ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế thế giới. Ảnh minh họa
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định đại dịch COVID-19 có thể đã đẩy 80 triệu người tại các nước thành viên ADB ở châu Á (còn gọi là nhóm châu Á đang phát triển) rơi vào cảnh đói nghèo, đe dọa làm chệch hướng tiến độ đạt được các mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói vào năm 2030.
ADB ước tính tỉ lệ người nghèo cùng cực (những người có mức sống chưa tới 1,9 USD/ngày) có thể đã giảm từ mức 5,2% của năm 2017 xuống còn 2,6% trong năm 2020 trong kịch bản nếu dịch COVID-19 không bùng phát.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra có thể đã khiến tỉ lệ người nghèo theo ước tính trên tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm ngoái. Con số này thậm chí có thể cao hơn nếu xét đến tình trạng bất bình đẳng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và công việc, vốn đều gia tăng do đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động di chuyển và kinh tế.
Được biết, cho đến nay, gần 4,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới. Tại các nước có thu nhập cao, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), 104 liều vaccine được tiêm cho 100 người. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại 29 nước có thu nhập thấp nhất thì chỉ có 2 liều được tiêm cho 100 người.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt mục tiêu mỗi nước có ít nhất 10% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước cuối tháng 9 tới, sau đó nâng tỉ lệ này lên lần lượt là 40% và 70% vào cuối năm nay và vào giữa năm 2022.
WHO kêu gọi tạm hoãn việc tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19 nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine. Theo cố vấn WHO Bruce Aylward, “hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”. Theo ông Aylward, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.