Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tại các nước đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty Images |
Theo "Báo cáo nhanh số 3 của ILO: đại dịch Covid-19 và thế giới việc làm", dự kiến tình trạng số giờ làm việc bị giảm trong quý này (quý II năm 2020) sẽ tồi tệ hơn nhiều so với ước tính trước đây.
Số liệu mới nhất của ILO về tác động của Covid-19 đến thị trường lao động cho thấy khoảng một nửa lực lượng lao động thế giới, tương đường 1,6 tỷ người, đang đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai.
So với giai đoạn tiền khủng hoảng (Quý IV năm 2019), nay số giờ làm dự kiến bị cắt giảm sẽ là 10,5%, tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần).
Con số ước tính trước đây là 6,7% tổng số giờ làm bị cắt giảm, tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa trong thời gian dài.
Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tại các nước đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, kéo theo sự bất ổn thị trường và nhiều dự báo về suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong năm nay.
ILO cho biết khủng hoảng y tế ảnh hưởng tới nhiều nơi trên thế giới đã khiến ít nhất 436 triệu doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn tài chính và đứng trước nguy cơ phá sản. Tình trạng này tác động trực tiếp tới người lao động, đặc biệt trong các ngành như sản xuất, dịch vụ thực phẩm, thương mại bán lẻ, du lịch và bất động sản.
Nếu xét theo khu vực địa lý, tình trạng này đã và đang trở nên tồi tệ hơn với tất cả các khu vực chính. Ước tính trong Quý II, Châu Mỹ sẽ mất 12,4% số giờ làm việc (so với giai đoạn tiền khủng hoảng), Châu Âu và Trung Á sẽ mất 11,8%. Số liệu ước tính số giờ làm việc bị cắt giảm của các khu vực còn lại đều gần xấp xỉ với các khu vực nêu trên và đều cao hơn 9,5%.
Kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái, virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến trên 3,2 triệu người mắc bệnh và ít nhất 228.000 người tử vong tính đến chiều 30/4.
Bạch Hiền (t/h)/SHTT