Một người dân Triều Tiên được kiểm tra thân nhiệt trong bức ảnh được truyền thông nhà nước công bố hôm 27/2. Ảnh: Yonhap. |
Truyền thông Triều Tiên không nêu rõ quy trình giám sát được thực hiện như thế nào và những ai phải tuân thủ. Theo Rodong Sinmun, các cơ quan y tế Triều Tiên tăng cường giám sát những người bị bệnh tim, bệnh đường hô hấp và cao huyết áp.
Tờ báo cũng cho biết những người bị giám sát được chính phủ cung cấp các nhu yếu phẩm, dẫn đến suy đoán họ đang bị cách ly tại nhà.
Triều Tiên hôm 24/2 cho biết họ đã cách ly khoảng 380 người nước ngoài để ngăn chặn nCoV, đồng thời đóng cửa một số cơ sở công cộng như biện pháp khẩn cấp. Triều Tiên đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào.
Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương đối nhanh chóng với dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng gấp đôi thời gian cách ly lên 30 ngày so với các nước khác. Nước này có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh do có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, trong khi cơ sở hạ tầng và vật tư y tế để xét nghiệm, điều trị người nhiễm bệnh còn rất hạn chế.
Tại cuộc họp trong tuần này của đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng cuộc chiến chống lại Covid-19 là "vấn đề quan trọng của nhà nước nhằm bảo vệ người dân, đòi hỏi kỷ luật tối đa", đồng thời cảnh báo dịch Covid-19 sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu bùng phát ở Triều Tiên.
Dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi tháng 12, đến nay đã xuất hiện tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dịch đã khiến gần 87.000 người nhiễm bệnh, gần 3.000 người tử vong trên toàn thế giới. Hàn Quốc, nước láng giềng của Triều Tiên, hiện là ổ dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 3.500 ca nhiễm và 17 trường hợp tử vong.
Theo VnExpress