Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Bầu cử 2020 có thể hỗn loạn tới mức nào khi TT Trump và ông Biden đều không nhận thua?

DTVN 10:40 28/10/2020

Việc không tìm được người chiến thắng có thể đẩy nước Mỹ vào hỗn loạn trong cuộc đua năm 2020, tạo ra những điều chưa từng có trong lịch sử chính trường Mỹ khi phát sinh vấn đề mà luật chưa nghĩ tới.

Covid-19 khiến nước Mỹ áp dụng hình thức bỏ phiếu qua thư ở các bang chiến trường, nơi cả đương kim Tổng thống Donald Trump - ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, và đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ đều cần chiến thắng để vào Nhà Trắng. Nếu kết quả kiểm phiếu ngày 3/11 là một chiến thắng áp đảo, những tranh cãi về bỏ phiếu qua thư và nguy cơ gian lận sẽ biến mất. Ngược lại, nếu không tìm được người chiến thắng, nước Mỹ sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.

Trong kịch bản này, tòa án các bang, Tòa Tối cao, Quốc hội Mỹ các cơ quan lập pháp và thống đốc bang sẽ có tác động tới kết quả bỏ phiếu. Chẳng hạn, Tòa án Tối cao Mỹ có thể được yêu cầu vào cuộc để ngăn chặn việc kiểm phiếu lại, điều từng xảy ra ở Florida, khiến ứng viên Dân chủ Al Gore phải nhượng bộ trong cuộc bỏ phiếu năm 2000 trước đối thủ George W. Bush của đảng Cộng hòa. Tòa Tối cao cũng có thể xem xét vụ kiện ở các bang về chính sách bỏ phiếu.

Tuy nhiên, theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là cơ quan đưa ra phán quyết cuối cùng cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong quá khứ, việc làm này hầu như chỉ luôn mang tính hình thức. Các thành viên của Hạ viện và Thượng viện sẽ họp trong một phiên họp chung để ký tên vào phiếu bầu đại cử tri, vốn được quyết định dựa trên đầu phiếu phổ thông ở các bang.

Dẫu vậy, kịch bản về cách Quốc hội Mỹ quyết định một cuộc bầu cử đang tranh chấp tiềm ẩn đẩy rẫy những bất ổn pháp lý và gây ra một cuộc khủng hoảng, điều đang được các chuyên gia bầu cử cảnh báo.

Một số học giả vạch ra tình huống mà ông Trump kêu gọi cơ quan lập pháp mà người Cộng hòa đang nắm giữ ở các bang chiến trường chỉ định đại cử tri của riêng họ để cạnh tranh với các đại cử tri, vốn thường do Thống đốc bang chứng nhận. Cáo buộc gian lận có thể là vũ khí để ông Trump thực hiện biện pháp này.

Thông thường, một tiểu bang sẽ gửi tới Quốc hội nhóm đại cử tri được đề cử bởi đảng giành đa số phiếu phổ thông ở tiểu bang đó. Hiện tại, Pennsylvania và ba bang chiến trường khác - Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina - đều có thống đốc là người Dân chủ nhưng cơ quan lập pháp địa phương do người Cộng hòa kiểm soát. Điều này làm gia tăng khả năng "đấu tay đôi" giữa các đại cử tri được đệ trình lên Quốc hội.

Trong trường hợp này, cả Hạ viện và Thượng viện sẽ cùng cân nhắc xem đại cử tri nào hợp lệ. Tuy nhiên, vẫn chưa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nghị sĩ không tìm được tiến nói chung. Kịch này này vốn không được quy định rõ trong luật.

Lawrence Douglas, một học giả về bầu cử tại Đại học Amherst ở Massachusetts, cho biết: "Chúng ta sẽ ở trong một hoàn cảnh mà chưa ai biết nó sẽ đi về đâu".

Các đại cử tri đấu tay đôi đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1876 và gần đây nhất, tiểu bang Hawaii đã đệ trình 2 nhóm đại cử tri vào năm 1960. Năm 2000, cơ quan lập pháp ở Florida đang chuẩn bị đưa ra các đại cử tri ủng hộ ông Bush trước khi Tòa Tối cao ra lệnh dừng việc kiểm phiếu lại ở bang này.

Hai quan chức cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết họ đã thảo luận về việc các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tự đề cử các Đại cử tri. Tuy nhiên, kịch này bản chỉ được dùng khi không còn cách nào khác. Họ cũng nói rằng kết quả dường như sẽ được giải quyết tranh chấp tại Tòa án nếu cần. Trong khi đó, các lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Cơ quan lập pháp bang Pennsylvania cho biết luật tiểu bang không cho họ vai trò gì trong việc lựa chọn đại cử tri.

Trong một kịch bản khác, Hạ viện sẽ chọn Tổng thống và Thượng viện chọn Phó Tổng thống. Quá trình này bắt đầu khi không có bất cứ ứng viên Tổng thống nào nhận được đa số phiếu đại cử tri, cụ thể là mỗi ứng viên giành được 269/538 phiếu. Ngoài ra, phương án này cũng có thể được sử dụng khi phiếu bầu Đại cử tri ở một hoặc một vài tiểu bang bị Quốc hội Mỹ khước từ.

Trường hợp này, ông Trump có lợi thế hơn. Mặc dù người Dân chủ kiểm soát Hạ viện nhưng đảng Cộng hòa lại kiểm soát nhiều bang hơn. Khi bầu Tổng thống, mỗi bang sẽ chỉ có một phiếu dù họ có bao nhiêu Hạ nghị sĩ đi chăng nữa.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bau-cu-2020-co-the-hon-loan-toi-muc-nao-khi-tt-trump-va-ong-biden-deu-khong-nhan-thua-d84289.html

Bạn đang đọc bài viết Bầu cử 2020 có thể hỗn loạn tới mức nào khi TT Trump và ông Biden đều không nhận thua? tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế