Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Từ 1/5/2020, xuất khẩu gạo trở lại bình thường

DTVN 14:01 29/04/2020

Trên cơ sở những số liệu đã được xác thực của các Bộ, ngành về tình hình sản xuất, dự trù và thị trường quốc tế, chúng ta có cơ sở để tiếp tục cho phép xuất khẩu gạo có kiểm soát.

Chiều 28/4, báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở những số liệu đã được xác thực của các Bộ, ngành về tình hình sản xuất, dự trù và thị trường quốc tế, chúng ta có cơ sở để tiếp tục cho phép xuất khẩu gạo có kiểm soát.

Cần tranh thủ thời điểm thuận lợi về thị trường để tổ chức xuất khẩu gạo

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu tại cuộc họp cho thấy, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, Chính phủ đã xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung – cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè thu, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng kể từ ngày 1/5/2020, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nếu chúng ta không tranh thủ điều kiện thuận lợi về thị trường để tổ chức xuất khẩu thì sẽ ảnh hưởng đến người dân, các doanh nghiệp và các địa phương

Tại cuộc họp, nói về trách nhiệm của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đối với lúa gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm đảm bảo về sản lượng cũng như cân đối cung cầu, đặc biệt là nhu cầu trong nước.

Về số liệu đã được xác thực của các Bộ, ngành về lúa gạo, cụ thể với khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn gạo còn có điều kiện xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục thực hiện việc xuất khẩu gạo theo đúng tinh thần của Nghị định 107, đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân.

“Nếu chúng ta không tranh thủ điều kiện thuận lợi về thị trường để tổ chức xuất khẩu thì sẽ ảnh hưởng đến người dân, các doanh nghiệp và các địa phương” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết, theo phân tích của đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì thì khả năng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là khoảng 700 nghìn tấn, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giải quyết đầu ra về lúa gạo cho người nông dân, đặcbiệt là ở thời điểm giá xuất khẩu đang rất có lợi. Bên cạnh đó, vào tháng 5 là vụ thu hoạch lúa hè thu, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nên chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thực hiện các mục tiêu nói trên.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, trước khi có báo cáo Thủ tướng về tình hình đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường thực hiện kiểm tra rất kỹ tình hình buôn lậu, nhất là tại các địa phương phía Bắc và khẳng định không có hiện tượng buôn lậu gạo qua biên giới. Do đó, có thể đảm bảo tốt công tác kiểm soát nguồn cung gạo và đảm bảo cung cầu gạo.

Về phản ứng của quốc tế đối với công tác xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá là khá dồn dập với việc nhiều Bộ trưởng các bộ, trong đó có Bộ ngoại giao của các quốc gia đã có ý kiến về vấn đề này. Do đó, cần tính toán thận trọng đến công tác ngoại giao trong năm 2020, nhất là khi chúng ta đang thực thi những trọng trách rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế và đối với ASEAN.

Phải đảm bảo an ninh lương thực, quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lương thực là một cân đối lớn của nền kinh tế, do đó, Nhà nước phải đảm bảo cân đối này, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận.

“Chúng ta cần phải đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để tình trạng đầu cơ, nâng giá lương thực” – Thủ tướng nói và cho biết, bên cạnh đó chúng ta cũng đồng thời xem xét hoạt động xuất khẩu lương thực để đảm bảo quyền lợi của người trồng lúa, đặc biệt là nông dân của đồng bằng sông Cửu Long.

Khẳng định những năm qua xuất khẩu nông sản nói chung, gạo nói riêng của Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước, đặc biệt là 13 tỉnh đồng bằng Cửu Long. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần xém xét, cân đối lượng gạo xuất khẩu cho phù hợp với từng khu vực và giao Bộ Tài chính thực hiện mua đủ dự trữ quốc gia về gạo.

“Chúng ta đạt nhiều thành tích nhưng có một số trục trặc trong điều hành, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm, chủ trì các cân đối lớn, phối hợp tốt với nhau để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực tốt hơn, thuận lợi hơn” – Thủ tướng đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua.

Về nội dung báo cáo của đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương trình bày, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo từ tháng 5/2020, theo đó, từ 1/5/2020 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế, cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không.

Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo để bảo đảm quyền lợi cho người cả người sản xuất và doanh nghiệp. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ liên quan theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu; nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì báo cáo ngay Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp.

“Trong quá trình điều hành, cần lắng nghe ý kiến đầy đủ của các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, các doanh nghiệp sản xuất lớn và người dân” – Thủ tướng lưu ý và giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải nghiêm túc tuân thủ quy định về việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% theo đúng quy định tại Nghị định 107. Đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp thương nhân không thực hiện, cho phép Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương rà soát Nghị định 107 để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổ chức rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia để có giải pháp phù hợp và chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ: Công Thương, Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Công Thương tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về vấn đề này.

Theo Hoàng Châu/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/tu-152020-xuat-khau-gao-tro-lai-binh-thuong-136644.html

Bạn đang đọc bài viết Từ 1/5/2020, xuất khẩu gạo trở lại bình thường tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành