Hàng quán trên phố Hàng Gai, Hà Nội đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19. (Ảnh: SGGP) |
Trong đó, việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) được giao cụ thể cho các bộ ngành. Các giải pháp này sau khi Chính phủ chốt sẽ được trình xin ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Cụ thể, dự thảo đề ra các chính sách như giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nội; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; miễn, giảm 50% thuế suất VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất...
Cùng đó, sẽ xem xét hoàn thuế VAT năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi Covid-19 như hàng không, du lịch; giảm phí cầu đường, cảng biển, bảo trì đường bộ, giá dịch vụ hàng không (phí bãi đậu, phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay, phí an ninh soi chiếu, phí phục vụ mặt đất)...
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 để khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, báo cáo Chính phủ tăng thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất lên 1 năm (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP là 05 tháng); bổ sung quy định giãn, hoãn nộp thuế khoán cho hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đối với doanh nghiệp...
Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng (đến hết Quý II/2020) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn bổ sung vốn lưu động để thúc đẩy xuất khẩu. Rà soát các biểu thuế xuất nhập khẩu do Chính phủ ban hành để kịp thời điều chỉnh có thời hạn các mức thuế suất đối với một số lĩnh vực như thuế nhập khẩu xăng dầu đối với ngành hàng không.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với đơn vị miễn, giảm lãi suất, chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp khoảng 2%, nhất là đối với các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc trả các khoản vay trước dịch Covid-19 do nguồn thu bị giảm mạnh.
Cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19 (doanh thu quý I và quý II/2020 giảm trên 50%, có số lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 100 lao động, nộp ngân sách cao), thời hạn vay từ 6-9 tháng thông qua các ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với thời hạn vay từ 3-6 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, Chính phủ có thể miễn, giảm phí, lệ phí, như phí thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn, cấp phép hoạt động ngân hàng, thẩm định dự án xây dựng và phí cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân.
Phương án giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong 5 tháng (đến hết quý 2) và điều chỉnh có thời hạn các mức thuế suất với một số lĩnh vực như thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không... cũng được xem xét báo cáo, trình Chính phủ.
Bộ Giao thông và vận tải báo cáo Chính phủ thực hiện áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV,VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cắt giảm chi thường xuyên để dành nguồn cho các nhiệm vụ cấp bách khác… Bên cạnh đó là các giải pháp cho vấn đề lao động, chuyên gia... trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Dự thảo đưa ra các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công; Về phát triển xuất nhập khẩu, thương mại và bảo đảm lương thực góp phần kìm chế chỉ số giá.