Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Nếu Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 không diễn ra thì Đại học sẽ tuyển sinh thế nào?

DTVN 12:54 19/04/2020

Nhiều trường Đại học đã có kế hoạch tuyển sinh riêng nếu kỳ thi THPT Quốc gia năm nay không diễn ra

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, học sinh sinh viên trên cả nước đã phải nghỉ học kéo dài gần 3 tháng. Điều này làm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học mà Bộ Giáo dục đã đề ra trước đó, trong đó có Kỳ thi THPT Quốc gia. Do đó, Bộ đã tính đến phương án tạm dừng tổ chức kỳ thi trong năm nay. Và nếu tình huống này xảy ra, các trường Đại học sẽ phải có những cách thức tuyển sinh khác mọi năm

Nhiều trường đại học, cao đẳng sẽ lúng túng

Nêu quan điểm về thông tin kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn có thể diễn ra nếu học sinh quay trở lại trường học trước ngày 15/6, ông Quách Tuấn Ngọc nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GDĐT) khẳng định, hoàn toàn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong điều kiện như thế nếu đề thi loại bỏ nội dung học kỳ II lớp 12.

“Nếu học sinh có thể quay trở lại trường học chậm nhất vào ngày 15/6 thì các em vẫn có gần 2 tháng để vừa hoàn thành nốt năm học, vừa ôn tập. Khi nội dung học kỳ II đã được tinh giản, đề thi không ra vào nội dung học kỳ II không đến mức phải bỏ kỳ thi” - Ông Ngọc nói.

Xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến nhưng theo ông Ngọc, sẽ có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, khó đảm bảo chính xác và công bằng cho các em học sinh. Vì vậy, Bộ GDĐT cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp.

Đối với việc xét tuyển đại học, ông Ngọc cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học, cao đẳng sẽ lúng túng.

“Chỉ dùng học bạ để xét tuyển sẽ không ổn, mặc dù phương thức xét tuyển là do các trường tự chủ nhưng lâu nay kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn là một trong những phương thức được lựa chọn, vì vậy, nếu thay đổi cần phải có dự lệnh để các trường đáp ứng được.

Không nhiều trường có đủ sức và can đảm được như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để ra đề thi riêng, vì làm được một bộ đề thi riêng là rất tốn kém, chưa nói nếu xảy ra sai sót trong khâu ra đề hệ lụy sẽ khó lường” - Ông Ngọc nhận định.

Theo ông Ngọc, trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường đại học có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.

Một số trường trên cả nước đã lên những phương án tuyển sinh cho năm học 2020-2021 dựa theo tình hình chung của cả nước

1.Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách Khoa Hà Nội chính thức công bố phương án tuyển sinh riêng cho năm học mới. Trong đó, trường sẽ xét tuyển theo 4 hình thức:

- Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với các thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Quốc tế, đoạt giải trong các kỳ thi chọn HSG quốc gia và Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế.

- Xét tuyển thẳng theo các chương trình đào tạo quốc tế (đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level, SAT, ACT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của trường).

- Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2020, trong đó ưu tiên xét tuyển và cộng điểm ưu tiên các thí sinh không sử dụng quyền được tuyển thẳng và thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

-Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Để đăng ký tham gia bài thi riêng, sinh viên cần trải qua vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập tại bậc THPT, sau đó làm bài thi được thiết kế phù hợp với trình độ THPT, có tính phân loại. Dự kiến, kỳ thi diễn ra trong khoảng từ 20-26/7, mỗi bài thi 180 phút. Thí sinh sẽ được ưu tiên cộng điểm nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

2. Đại học Kinh tế Quốc dân

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng có 2 phương án tuyển sinh cho 2 trường hợp được Bộ GD đang xem xét là thi hoặc không thi THPT Quốc gia. Theo đó, trường sẽ tổ chức thi tương ứng với 8 bộ môn thi THPT Quốc gia, hình thức thi và nội dung tương tự đề thi tham khảo đã được công bố. Ngoài ra, trường cũng sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung với mục tiêu bảo đảm sự ổn định và nhất quán với các phương án tuyển sinh đã công bố và bảo vệ quyền lợi cao nhất của thí sinh.

3. Đại học Hàng hải Việt Nam

Đại học Hàng hài Việt Nam cũng đưa ra 3 phương án tuyển sinh để ứng phó ịp thời với những phương án mà Bộ GD đã đề ra, trong đó:

Phương án 1, trường sẽ tổ chức thi trên máy tính một bài tổ hợp chung các môn học, riêng ngành có môn chính là tiếng Anh sẽ thi thêm tiếng Anh. Dự kiến trường sẽ thi thành nhiều đợt, tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8 tại trường.

Phương án 2, trường sẽ tổ chức thi tương tự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 với 8 môn thi được xét thành các tổ hợp. Với trường hợp này, trường dự kiến sẽ kết hợp cùng một số trường có chung mục tiêu để tổ chức thành một đợt thi vào tháng 8, dự kiến kéo dài 3-4 ngày.

Phương án 3, trường sẽ xem xét tổ chức thi riêng và công nhận toàn bộ kết quả của thí sinh đã tham dự kỳ thi của các trường đại học khác. Ngoài ra, trường vẫn xét học bạ và các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển thẳng cho các thí sinh đạt yêu cầu.

4.Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm 2020, ĐHQGHN sẽ tuyển 10.320 chỉ tiêu với 131 ngành/chương trình đào tạo bậc đại học. Phương thức xét tuyển của ĐHQGHN phong phú và đa dạng về cách thức, các bạn thí sinh có nhiều con đường đến với giảng đường ĐHQGHN như xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa theo chứng chỉs A-Level, SAT, chứng chỉ tiếng Anh IELTS (hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương) và có tổng điểm 2 môn thi. Tuy nhiên, phần lớn thí sinh dựa vào kết quả thi tuyển sinh năm 2020 để vào ĐHQGHN.

Trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài và học sinh không thể đến trường trước ngày 15/6 khiến kỳ thi THPTQG có thể bị hoãn, ĐHQGHN đã chuẩn bị phương án tuyển sinh dự phòng. Thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến để sơ loại đối tượng dự thi. Các thí sinh có kết quả học tập bậc THPT đáp ứng yêu cầu sơ tuyển đầu vào của từng ngành đào tạo của ĐHQGHN sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực rút gọn: Toán – Ngữ văn (hoặc bài luận) – Ngoại Ngữ...

Tổ hợp xét tuyển cũng sẽ điều chỉnh phù hợp theo ngành xét tuyển sử dụng bài thi riêng của ĐHQGHN. Theo đó, các trường/khoa sẽ sử dụng tổ hợp 2 hoặc 3 hoặc 4 bài thi/hợp phần thi... để xét tuyển. Thông tin chi tiết của phương án thi dự phòng và tổ hợp đăng ký xét tuyển sẽ được công bố chi tiết trước 15/6/2020.

5. Đại học Ngoại thương Hà Nội

ĐH Ngoại thương đã thông qua 2 kịch bản tuyển sinh cho năm học tới dựa trên các phương án mà Bộ trình Chính phủ cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020. Trong trường hợp kỳ thi diễn ra bình thường, trường vẫn sẽ xét tuyển như năm 2019. Nếu kỳ thi bị hoãn, ĐH Ngoại thương sẽ kết hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng

6. Các khối/ trường ngành Y

Đại học Y dược Hải phòng, ĐH Y dược - Đại học Huế và nhiều trường thuộc khối ngành Y dược khác cho biết sẽ lên các phương án tuyển sinh riêng nếu không có kỳ thi THPT Quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào cho sinh viên.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/neu-ky-thi-thpt-quoc-gia-nam-2020-khong-dien-ra-thi-dai-hoc-se-tuyen-sinh-the-nao-d73896.html

Bạn đang đọc bài viết Nếu Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 không diễn ra thì Đại học sẽ tuyển sinh thế nào? tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành