Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4, tháng 5. Doanh thu thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng nếu dịch kết thúc vào tháng 5.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính trong tháng 3/2020, xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2020 ước đạt 6,49 tỷ USD, giảm 8,9% so cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong cuộc họp cuối tháng 3 dự báo, nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4, số lượng lao động mất việc ước tính từ 40-50% và lượng hàng tồn kho trong hai tháng 4 , 5 sẽ mất khoảng 50% giá trị.
Đây là những con số tiêu cực chưa từng có mà Covid-19 đang gây ra cho ngành dệt may.
Dự tính sẽ cho tới 50.000 công nhân nghỉ việc tạm thời
Tổng giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường, cho biết: "Khi mọi thứ đình trệ, 30% đến 50% công việc sẽ mất đi vào tháng 5". Hiện Vinatex có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 công nhân.
Tác động của dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu vào tháng 2, khiến việc thu mua vải bị đình trệ. Và khi mọi thứ trở lại bình thường hơn vào tháng 3, làn sóng thứ hai đã giáng một đòn mạnh và ngành công nghiệp dệt may.
Nhu cầu may mặc ở Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh do người tiêu dùng phải ở nhà để ngăn chặn bùng phát dịch. Vì vậy, các nhà cung cấp đã hủy đơn đặt hàng cũ và tạm dừng đơn hàng mới.
Tại Việt Nam, nhiều thành phố như Hà Nội đã cấm đi lại khi không cần thiết. Tuy nhà máy được phép mở cửa nhưng đơn hàng đều đã bị tạm ngừng hoặc hủy.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương Việt Nam, đơn hàng dệt may và giày dép có thể giảm khoảng 70% giá trị trong tháng 4 và tháng 5. Vinatex sẽ mất 1.000 tỷ đồng (khoảng 42,4 triệu USD) ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 5. Con số này gần gấp đôi lợi nhuận ròng của Vinatex (510 tỷ đồng) trong năm ngoái. Nếu hoạt động kinh tế bị hạn chế lâu hơn, nhiều khả năng một số nhà máy vừa và nhỏ của Vinatex sẽ phải ngừng hoạt động.
Một tỷ lệ lớn công nhân may mặc đang làm việc với mức lương tối thiểu. Ở những vùng có chi phí lao động rẻ nhất, mức lương này rơi vào khoảng 3 triệu đồng/tháng. Lo ngại tình trạng mất việc làm trên diện rộng có thể dẫn đến bất ổn xã hội, chính phủ Việt Nam đang triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động và doanh nghiệp. Theo đó, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được thụ hưởng gói an sinh xã hội này.
Biến nguy thành cơ
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các doanh nghiệp trong hệ thống đã chuyển đổi sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn để sản xuất, cung ứng hàng trăm nghìn khẩu trang ngay thời điểm phát sinh dịch vào tháng 2/2020. Đây là loại vải dệt kim kháng khuẩn sử dụng cho trẻ sơ sinh và trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất cho Nhật Bản 30 năm qua.
Cuối tháng 3, thị trường tiếp tục đón nhận mạnh dòng sản phẩm mới - "khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp", do Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát triển mẫu và được Dệt Kim Đông Xuân sản xuất.
Theo kế hoạch, trong tháng 3 và tháng 4/2020, Dệt kim Đông Xuân đưa ra thị trường từ 5 - 7 triệu chiếc khẩu trang thuộc dòng sản phẩm mẫu mới này.
Ngoài khẩu trang, Tập đoàn Dệt may cũng sẵn sàng sản xuất quần áo bảo hộ cấp độ 1 và 2 sau khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn. Công suất dự kiến khoảng 50.000 bộ/ngày.
Trong khi đó, Tổng công ty May 10 cũng nhập cuộc với 8 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế có công suất lên đến 900.000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế/tháng.
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết: "Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên trong tháng 4/2020, tổng công ty sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Tuy nhiên việc sản xuất khẩu trang sẽ bù đắp phần nào sự thiếu hụt đơn hàng".
Ông Việt chia sẻ thêm, hiện đã có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020). Đồng thời, một đối tác khác của Mỹ cũng đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần, một đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.
"Sản xuất khẩu trang là việc chẳng đừng vì không thể so với giá trị sản xuất may mặc. Tuy nhiên, chúng tôi phải chuyển đổi để thích ứng và cố gắng bù đắp thiếu hụt vì 12.000 công nhân lao động", ông Việt nói.
Một doanh nghiệp khác cũng có hướng đi mới là Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG ( Thái Nguyên).
Theo báo cáo của TNG, doanh thu trong tháng 2 của công ty tăng 240% với doanh thu nội địa tăng trưởng mạnh, chủ yếu đến từ các đơn hàng sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19. Cụ thể, tổng doanh thu tiêu thụ trong tháng 2 của TNG đạt 288,62 tỷ đồng, tăng 65% so với tháng 2/2019.
Trong đó doanh thu xuất khẩu đạt gần 220 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ 2019, doanh thu nội địa đạt trên 36 tỷ đồng, tăng 240% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, TNG đạt 559,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung bình mỗi ngày, công ty cung ứng ra thị trường trong nước 150.000 chiếc khẩu trang phục vụ công tác phòng dịch và có kế hoạch xuất khẩu 250 triệu sản phẩm sang thị trường Pháp và Cộng hòa Séc trong thời gian tới.
Ngoài sản xuất khẩu trang, TNG đã nghiên cứu, sản xuất thành công bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch Y0242. Hiện mỗi ngày TNG cung cấp ra thị trường 10.000 sản phẩm và năng lực sản xuất tối đa 100.000 sản phẩm/ngày.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ