Đóng góp quan trọng vào kết quả tích cực này là 8 nhóm hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Với tổng kim ngạch gần 35,54 tỷ USD, riêng 8 nhóm hàng trên đóng góp tới 70,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong thời điểm này.
Đáng chú ý, đến ngày 15/3, Việt Nam đã có nhóm hàng xuất khẩu đầu tiên đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, trong khi cùng kỳ năm ngoái chưa có nhóm hàng nào đạt được kết quả như vậy. Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng đầu tiên chạm mốc chục tỷ USD với kim ngạch hơn 10,2 tỷ USD, tăng gần 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 800 triệu USD).
Hết tháng 2, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đóng góp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này vẫn là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trước tác động của dịch covid, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là cơ hội để một lần nữa chúng ta mạnh dạn tái cơ cấu lại sản xuất và thị trường xuất khẩu hàng hóa, tập trung sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao, xây dựng xuất xứ hàng hóa và chỉ dẫn địa lý. DN cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, không “bỏ trứng vào một rổ” nhằm tránh quá phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác; tranh thủ xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng. Cách tốt nhất đối với DN lúc này là cố gắng duy trì sản xuất và cần năng động hơn nữa để nhìn ra các cơ hội, hướng đi mới cho mình. Nếu làm tốt, về lâu dài hàng hóa Việt Nam có thể thay thế và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế, chứ không chỉ đơn thuần là lấp chỗ trống do dịch bệnh. “Trong họa có phúc, trong nguy có cơ” là vậy.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ