Biểu giá điện bậc thang hiện hành bộc lộ nhiều khuyết điểm
Liên quan đến việc hàng triệu hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, biểu giá điện bậc thang chính là một trong những "thủ phạm". Các chuyên gia cũng cho rằng biểu giá điện 6 bậc như hiện nay đã lạc hậu, bộc lộ nhiều khuyết điểm và cần được sửa đổi.
Theo TTXVN, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá nhận xét, biểu giá bán lẻ sinh hoạt 6 bậc thang hiện nay có giãn cách về giá giữa các bậc chưa hợp lý. Chẳng hạn, bậc 1 là 1 lần, bậc 2 là 1,03 lần; bậc 4 là 1,26 lần, bậc 5 là 1,12 và bậc 6 là 1,03 lần.
Ngoài ra, ở mỗi bậc thang thì người dùng điện chỉ được hưởng một định mức khống chế tính giá nhất định, gắn với mức giá từng bậc. Bậc giá thấp thì định mức tiêu dùng điện thấp, bậc có định mức tiêu thụ cao hơn giá sẽ cao hơn. Do đó, chỉ cần tăng sử dụng lên một bậc giá, tổng số tiền điện sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ dùng điện.
Trong khi đó, trả lời báo Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương dự kiến sẽ hoàn tất phương án sửa đổi biểu giá điện bậc thang trong tháng 10/2020 để trình Chính phủ sau khi tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của bộ, ngành liên quan.
(Ảnh minh hoạ) |
Theo đó, Bộ Công thương đã lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội về 5 phương án đã đề ra (riêng phương án 5 bậc có 2 kịch bản).
Sau khi hoàn tất và lấy ý kiến của 155 đơn vị (UBND tỉnh, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng...) các ý kiến tổng hợp cho thấy phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án 5 bậc (có 2 kịch bản).
Kịch bản điều chỉnh giá điện bậc thang
Kịch bản 1: Giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 đến 200 kWh, bậc 3 từ 201 đến 400 kWh, bậc 4 từ 401 đến 700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Kịch bản 2: Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi, trong đó gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh. Giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (301 - 400 kWh) của giá điện cũ.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 1.
Bộ Công Thương đánh giá, phương án 5 bậc thang phù hợp cho hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. 1,8 triệu hộ nghèo, chính sách sẽ tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ. Và chỉ khoảng 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng sẽ phải trả tiền điện cao hơn nếu sử dụng trên 700 kWh/tháng.
Bộ này cũng cho rằng, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và cuối là 2 lần.
Hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau: Bậc 1 cho kWh từ 0 - 50, tính 1.678 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51 - 100, được tính 1.734 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101 - 200, được tính 2.014 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201 - 300, được tính 2.536 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301 - 400 được tính 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên được tính 2.927 đồng/kWh. |
Trước đó, ngày 31/3, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian báo cáo Phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vơi lý do thời điểm dịch bệnh cả Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19, chống dịch Covid-19.
Liên quan đến sai sót ghi chỉ số tiêu thụ điện ở một số nơi vừa qua, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, những vụ việc sai sót vừa qua là do cá nhân, chứ không liên quan đến công tơ đo đếm và quản lý kỹ thuật. Ngành Điện vẫn thường xuyên cập nhật và kiểm tra định kỳ hệ thống công tơ, giảm thiểu hỏng và sai số. Mọi hoạt động đều thực hiện online và công tơ được đánh mã vạch để giám sát đảm bảo không có sai sót. EVN đang tiếp tục hoàn thiện quy trình ghi chỉ số, phúc tra, lập hóa đơn tiền điện. Trong trường hợp khách hàng có chỉ số sử dụng điện tăng đột biến thì kiểm tra chéo, nhằm hạn chế mức thấp nhất sai số có thể xảy ra.
EVN cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các tổng công ty Điện lực Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Miền Trung sẽ thay thế 100% công tơ điện tử. Tổng công ty Điện lực miền Bắc và miền Nam sẽ phấn đấu lắp đặt 100% công tơ điện tử tại các thành phố, thị trấn, thị xã, còn các địa bàn vùng sâu vùng xa sẽ cố gắng phủ ít nhất 50%.
Tiền điện của hơn 7 triệu khách hàng tăng vọt trong tháng 6 Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó. Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020. Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó. |
Theo Mai Anh/Tạp chí Kinh tế Môi trường