Sáng 1/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo giới thiệu việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia lên 725.
Cụ thể, 6 dịch vụ công được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 1/7, bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc) và nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã bước đầu được người dùng đón nhận, phát huy tốt chức năng phục vụ người dân, doanh nghiệp. |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các dịch vụ công mới được đưa lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tập trung vào việc thanh toán điện tử.
“Đây là một bước tiến trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến” – ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm, bắt đầu từ ngày 2/7 người dân trong cả nước có thể ngồi nhà nộp phạt trực tuyến nếu vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, đóng tiếp BHXH tự nguyện và dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính... Theo tính toán ban đầu, việc tích hợp, cung cấp 6 dịch vụ này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.
Riêng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cung cấp tính năng giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính. Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Công Dịch vụ công Quốc gia cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục. Bản sao chứng thực điện tử được ký số bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần. Hơn nữa, dịch vụ này giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.
Theo số liệu thống kê, tính từ thời điểm khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (ngày 9/12/2019) đến nay, Cổng đã tích hợp với 18 Bộ, ngành, 63/63 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán. Tiếp nhận, xử lý hơn 6.600 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 14.800 cuộc gọi tới tổng đài.
Tính đến ngày 28/6/2020, đã có hơn 178.000 tài khoản đăng ký; hơn 46,3 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 10,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 151.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Từ kết quả trên cho thấy, số lượng người dân, doanh nghiệp đăng ký tài khoản, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng tăng, trong đó 03 tháng gần đây số lượng tài khoản đăng ký, số lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ tăng gấp 2 lần, trung bình mỗi tháng có hơn 32 nghìn tài khoản đăng ký tham gia và 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.
Đặc biệt, hệ thống thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của Cổng Dịch vụ công Quốc gia mới đưa vào thực hiện từ tháng 3/2020 nhưng đến nay đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 6 Bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đã có hơn 2.100 lượt giao dịch thành công.
Qua tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử còn giúp cho việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục bảo đảm tính minh bạch. Hơn nữa, quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết và nâng cao hiệu quả công tác giám sát thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo Hoàng Châu/Báo Công Thương Điện Tử