8h sáng ngày 15/1/2020, hàng chục cảnh sát, dân phòng căng dây ngăn phương tiện ở hai đường dẫn vào cổng Công viên nước Thanh Hà. Các máy xúc lần lượt phá dỡ 19 hạng mục gồm: Cầu trượt nước, bể tạo sóng, đài phun nước, nhà điều hành, cổng chính...
Chỉ trong 2 ngày phá dỡ, công trình 200 tỷ của Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 tại lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã trở thành đống đổ nát.
Sau vụ phá dỡ, nhiều người bức xúc về việc công trình xây dựng sai phạm, thế nhưng dư luận cũng đặt ra câu hỏi, rằng đúng là công trình sai phạm, thế nhưng việc để một công trình xây dựng sai phạm trong suốt một thời gian dài rồi mới tiến hành cưỡng chế, phá hủy, thì trách nhiệm thuộc về chính quyền, mà cụ thể là UBND phường Phú Lương và quận Hà Đông như thế nào? Chưa kể, trong giai đoạn thi hành quyết định cưỡng chế có nhiều vấn đề cần làm rõ.
Chỉ trong 2 ngày phá dỡ, công trình 200 tỷ của Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 trở thành đống đổ nát. Ảnh: vnexpress. |
Xây dựng không phép trong thời gian dài, đi vào hoạt động mới cưỡng chế?
Ông Dương Ngọc Thỏa, Phó chủ tịch phường Phú Lương, quận Hà Đông cho hay: "Công viên nước chưa được cấp phép xây dựng. Chúng tôi đã gửi thông báo yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ từ ngày 27/11/2019. Quá thời hạn, chủ đầu tư không thực hiện nên buộc chúng tôi phải cưỡng chế". Trước đó, sau 2 vụ đuối nước, cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra, xác định: các hạng mục xây dựng trong công viên nước chưa được cấp phép.
Dự án đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Đến tháng 11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định 4725/QĐ-UBND, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định do công trình xây dựng không phép.
Như vậy, việc để một dự án đi vào hoạt động sau 6 tháng mới bị cưỡng chế đã chỉ rõ đang có lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị khi một công viên nước hoành tráng xây dựng không phép giữa Thủ đô.
GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, để một công trình xây không phép diễn ra suốt thời gian dài, trách nhiệm này thuộc về UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông.
“Cơ quan Nhà nước với vai trò giám sát đã không hoàn thành được vai trò của mình, để sai phạm ngang nhiên tồn tại cho đến khi sự việc trở nên phức tạp như hiện nay. Nếu sai phạm được phát hiện và xử lý từ khi mới bắt đầu thì chắc chắn sẽ không có hậu quả như vậy”, ông Võ nhấn mạnh.
Sự tình quan hệ giữa chủ đầu tư và chính quyền sở tại có thể có những uẩn khúc gì?
Trong văn bản gửi Thủ tướng, đại diện Cienco 5 cho biết do vi phạm nên công ty chấp hành việc quyết định tháo dỡ.
Ngày 26/11/2019, Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 có công văn số 19/BC- LAND trình chính quyền quận Hà Đông và phường Phú Lương về việc tự tháo dỡ công trình công viên nước Thanh Hà. Thời gian dự kiến triển khai việc tháo dỡ bắt đầu từ ngày 06/12/2019.
Ngày 27/11/2019 UBND quận Hà Đông ban hành quyết định số: 4725/ QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc chủ đầu tư tháo dỡ 18 hạng mục về thiết bị kỷ thuật và một hạng mục cây xanh và đường nội bộ tại công viên nước. Thời gian tháo dỡ và phá dỡ là 15 ngày.
Thực hiện quyết định này, chủ đầu tư đã tiến hành tháo dỡ một số thiết bị đơn giản. Do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản nên Công ty này đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp nhận.
Ngày 24/12/2019 UBND quận Hà Đông ban hành tiếp quyết định số: 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả tháo dỡ toàn bộ công viên nước Thanh Hà. Ngày 30/12/2019 UBND phường Phú Lương ra thông báo số: 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định nói trên của UBND quận Hà Đông, yêu cầu thực hiện hoàn thành việc cưỡng chế trước 17 giờ ngày 10/01/2020 (tức ngày 16/12 năm Kỷ Hợi)
Ngày 14/01/2020, do chính quyền không chấp thuận văn bản ngày 26/11/2019, đồng thời xét thấy không thể bảo đảm thời gian thực hiện tháo dỡ theo yêu cầu của chính quyền địa phương, chủ đầu tư tiếp tục có công văn 01/BC-LAND xin hoàn thành việc tháo dỡ trong quý I/2020.
Ngày 15/01/2020 (tức ngày 01/12 năm Kỷ Hợi) lực lượng cưỡng chế của phường Phú Lương đã tổ chức đập phá hủy hoại toàn bộ thiết bị, cảnh quan công viên nước.
"Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…", Cienco 5 cho biết.
"Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…", Cienco 5 cho biết. Ảnh: Tầm Nhìn. |
Diễn biến các sự kiện pháp lý nêu trên, có thể đặt dấu hỏi, sự tình quan hệ giữa chủ đầu tư và chính quyền sở tại có thể có những uẩn khúc mà người ngoài cuộc không thể trả lời được.
Đó là ngày 26/11/2019 chủ đầu tư có công văn báo cáo về việc tự tháo dỡ, thì ngày 27/11/2019 UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế.
Ngày 14/01/2020 chủ đầu tư báo cáo thời gian hoàn thành việc tự tháo dỡ thì ngày 15/01/2020 chính quyền đem lực lượng đến cưỡng chế đập phá. Hai sự kiện, bên đề nghị cách bên đáp lại không chấp thuận đều cách nhau 01 ngày.
Điều này khiến cho dư luận hoài nghi về mối quan hệ giữa chủ đầu tư và phía chính quyền. Trong khi đó, xét về phương diện pháp luật, và qua trình tự giai đoạn cưỡng chế kể trên, có hay không câu chuyện việc lạm dụng quyền cưỡng chế của chính quyền quận dẫn đến hậu quả các hạng mục, thiết bị của công viên nước bị phá hủy?
Quận Hà Đông và phường Phú Lương đang phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự?
Điều 30 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định rõ các trường hợp bị tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không phép, sai phép đều yêu cầu cá nhân, tổ chức có công trình phải tháo dỡ.
Khi tổ chức, cá nhân vi phạm không tự nguyện tháo dỡ thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế. Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định: Trước khi tiến hành cưỡng chế nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thì thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Trong trường hợp này chủ đầu tư hoàn toàn tự nguyện “khắc phục hậu quả” và đang thực hiện tháo dỡ. Tuy nhiên, điều kiện thời gian không đáp ứng được yêu cầu của chính quyền.
Mặt khác, tại thời điểm trước khi ban hành quyết định cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã dừng hoạt động, không có yêu cầu cấp bách để tiến hành cưỡng chế: Không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, không gây cản trở giao thông, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, không gây phản cảm.
Không chỉ thế, quyết định cưỡng chế còn yêu cầu phải hoàn thành công việc trong 15 ngày, và còn buộc phải tiến hành trong thời điểm cận kề Tết nguyên đán, trong khi một công trình có khối lượng lớn, xây dựng gần hai năm, nhiều hạng mục phức tạp, việc tháo dỡ cần có chuyên gia kỹ thuật... Câu chuyện này cũng đặt ra không ít hoài nghi cho dư luận.
Tiếp đến, lẽ ra trước khi ra quyết định cưỡng chế, UBND quận Hà Đông phải làm văn bản đề nghị Sở văn hoá Thể thao Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao tại công viên nước Thanh Hà (Giấy chứng nhận số 413/ GCN-SVHTT ngày 02/07/2019)
Có thể nói việc ra quyết định cưỡng chế vừa không đúng quy định của pháp luật, vừa không phù hợp điều kiện hoàn cảnh thực tế, vừa không bảo đảm tính khả thi và không tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện sự tự giác, tự nguyện của họ.
Thêm vào đó, tại Điều 28, Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định rất rõ về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng, trong đó tại điểm b, khoản 1 ghi rõ: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.
Điều 30. Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà công sở,tại Điểm d, Khoản 11, Điều 15 quy định: Biện pháp khắc phục hậu quả. Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc) khoản 6 và khoản 7 Điều này.
Về vấn đề “tháo dỡ” được quy định trong luật, Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, “Những hình ảnh được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng ta nhìn thấy, theo tôi, đó là hành động “phá dỡ” công trình xây dựng sai phạm chứ không phải là “tháo dỡ” công trình xây dựng sai phạm”.
Dẫn ra như trên để nói rằng việc tổ chức thực hiện cưỡng chế có quy trình, quy phạm, được pháp luật quy định rất chi tiết, nhưng trên thực tế lực lượng cưỡng chế tại công viên nước Thanh Hà lại phớt lờ, bỏ qua nhiều thủ tục.
Họ tổ chức lực lượng phá hủy công trình, chứ không phải là cưỡng chế khắc phục hậu quả xây dựng không phép theo quy định của pháp luật. Hành vi của họ đã vượt xa, ra ngoài phạm vi vụ việc cưỡng chế vi phạm hành chính. Do vậy chính quyền quận Hà Đông và phường Phú Lương đang phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây có thể nói là một vụ điển hình và hy hữu trong lịch sử xử lý vi phạm quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời bộc lộ những uẩn khúc trong nội bộ lãnh đạo của quận Hà Đông. Người dân và công luận mong muốn thanh tra kết luận khách quan, minh bạch về diễn biến, nguyên nhân sự việc và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp để làm bài học chung cho cả nước.
Ông Dương Ngọc Thỏa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Lương, quận Hà Đông cho biết: Toàn bộ công trình công viên nước này xây dựng không có giấy phép, xây dựng trái phép nên bị phá dỡ theo quy định pháp luật. Ủy ban nhân dân quận Hà Đông là cơ quan ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình. Cũng theo ông Thỏa, những văn bản liên quan đến việc yêu cầu tự phá dỡ, thông báo cưỡng chế phá dỡ đã được gửi đến chủ đầu tư trước đó. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện tự tháo dỡ công trình nên buộc phải cưỡng chế. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, bà Đoàn Thu Hà, Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết, quan điểm của chính quyền là làm đúng theo quy định của pháp luật. Quận đã gửi hai quyết định tới chủ đầu tư. Tuy nhiên sau 15 ngày, chủ đầu tư không chịu tháo dỡ nên UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông) đã thực hiện tháo dỡ theo quyết định của quận Hà Đông. |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ