Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Vì sao Quảng Nam 'cắt gọt' dự án Công viên 'Ấn tượng Hội An'?

Mai Hương 08:40 12/02/2020

Sau khi rất nhiều người tâm huyết với Hội An đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, dự án Công viên văn hóa chủ đề "Ấn tượng Hội An" đã được ký quyết định điều chỉnh.

"Cắt gọt" dự án Công viên "Ấn tượng Hội An" là sự ghi nhận

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn mới đây đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ, cập nhật chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) tổng mặt bằng dự án Công viên văn hóa chủ đề "Ấn tượng Hội An" tại phường Cẩm Nam (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Được biết, trước đó, vào tháng 3/2008, sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận, Cty CP Gami Hội An đã khởi công dự án Làng du lịch sinh thái Gami Hội An. Tổng diện tích quy hoạch của dự án này là hơn 11,3ha, bao gồm 1 cồn bãi lớn và 1 cồn nhỏ trên sông Hoài và một phần trên bờ thuộc phường Cẩm Nam và phường Cẩm Châu, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Tuy nhiên, sau khi làm kè bê tông một đoạn ngắn, chủ đầu tư dự án này triển khai cầm chừng rồi dừng hẳn. Đến tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép trở lại cho dự án bằng hình thức đầu tư công viên văn hóa với tên gọi “Ấn tượng Hội An”.

Kè bê tông bên bờ sông

Gami Hội An đã biến một cồn nổi đẹp thành những khối bê tông, gây bức xúc và lo ngại trong dư luận Hội An. Người dân và cán bộ Hội An lo ngại công trình sẽ tạo ra các hệ lụy xấu như nước lũ bị đẩy về uy hiếp đôi bờ sông Hoài, chưa kể phá vỡ cảnh quan của di sản văn hóa thế giới Hội An, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của cồn đất có tuổi hàng trăm năm.

Nhiều người cũng cho rằng việc cấp phép xây dựng với chiều cao tối đa lên tới 16,5 m là vi phạm quy chế mà TP Hội An đã đặt ra trước đó. Đối với việc cấp phép xây dựng công trình trên cũng có nhiều điều khuất tất.

Thời điểm năm 2018, khi dư luận bày tỏ ý kiến lo ngại, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An từng nhận định rằng công trình trên có nhiều điều khó hiểu: "Thực ra mọi thủ tục, mọi vấn đề đều là khuất tất. Ví dụ như khi triển khai phải có giấy phép xây dựng, phải có đánh giá tác động môi trường.

Đến hôm nay, tôi đảm bảo nếu hỏi anh em lãnh đạo địa phương cũng không biết giấy phép xây dựng là cái gì. Không khuất tất sao được khi dự án ngày 18-3 đưa vào khai thác mà 20-3 mới có giấy phép thì không khuất tất là cái gì?" – ông Nguyễn Sự nói.

Trả lời Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Khánh Toàn nói rằng quyết định điều chỉnh quy hoạch đã được Thường trực Tỉnh ủy thảo luận và thống nhất, Thường trực UBND tỉnh đồng ý, TP Hội An và các sở đồng ý. "Vấn đề này đã cân nhắc kỹ lưỡng và đồng thuận cao từ tỉnh đến địa phương và cũng là sản phẩm du lịch mới, đặc thù, tăng thêm lượng khách du lịch đến phố cổ Hội An" – ông Toàn nói.

Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết hạng mục nhà hát ngoài trời cao 16,5 m đã được đơn vị xây dựng và đưa vào hoạt động lâu nay.

Sau khi rất nhiều người tâm huyết với Hội An đã lên tiếng bày tỏ lo ngại đó, dự án Công viên văn hóa chủ đề "Ấn tượng Hội An" đã được ký quyết định điều chỉnh.

Theo điều chỉnh, bỏ hạng mục khu nhà hát trong nhà 1.000 chỗ ngồi với diện tích hơn 2.800 m2, bố trí lại khu cây xanh và mặt nước; Bỏ hạng mục câu lạc bộ với diện tích hơn 422 m2, bố trí hạng mục công trình lưu trú; giảm diện tích khu vực lưu trú từ 3.322,9 m2 xuống còn 3.186,6 m2, bổ sung thêm khu nhà hàng – tiếp tân rộng hơn 925 m2…

Tuy vậy, chỉ tiêu chiều cao nhà hát ngoài trời vẫn được giữ nguyên ở mức tối đa 16,5 m; các hạng mục còn lại cao tối đa 2 tầng (10,5m).

Chỉ tiêu mật độ xây dựng được điều chỉnh giảm từ 23,7% xuống còn 19,81%. Việc Quảng Nam "cắt gọt" dự án này phần nào cho thấy sự ghi nhận của chính quyền đối với những tiếng nói tâm huyết với Hội An.

'Làm du lịch trong dân tốt hơn rất nhiều so với các dự án to đùng'

Là người làm du lịch, TS Hà Thanh Hải khẳng định, Hội An là một không gian văn hóa khác biệt, đặc trưng của văn hóa châu Á với nhà nhỏ, phố nhỏ, quán nhỏ..., không phải những thứ hoành tráng, bề thế như nhiều người vẫn nghĩ.

Vị chuyên gia nhắc lại trường hợp của Sa Pa (Lào Cai) và coi đó là một bài học mà Hội An cần lưu ý.

Theo đó, Sa Pa từng là một điểm du lịch hấp dẫn đặc biệt đối với các du khách nước ngoài, thế nhưng thời gian qua lại có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Trước đây, du khách tìm đến Sa Pa bởi vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, không ồn ào, náo nhiệt thì giờ đây Sa Pa ngày càng ồn ào hơn, đông đúc hơn, chưa kể những hình ảnh chèo kéo mua hàng phản cảm, gây khó chịu cho du khách.

Đó chính là nguyên nhân khiến các đoàn khách nước ngoài có khả năng chi trả cao như Pháp, Nga, Hàn Quốc không còn thích thú lựa chọn Sa Pa nữa.

"Hội An mà bê tông hóa lên, chạy theo số đông, những thứ hoành tráng thì khách du lịch sẽ không đến nữa. Nét hấp dẫn của Hội An đối với du khách chính là những điểm khác biệt mà không một nơi nào có được, đó chính là văn hóa, là kiến trúc, không gian yên bình, là bản chất con người của Hội An.

Chúng ta phải giữ gìn di sản, bằng không Hội An sẽ chẳng còn gì để hút khách du lịch nữa", TS Hà Thanh Hải nói và lưu ý đây chính là bài toán phát triển du lịch Hội An.

Với Hội An, TS Hải nhấn mạnh, không nên xây dựng những thứ đồ sộ, không thể đem tư duy của người làm cáp treo Fansipan, chùa Bái Đính áp vào Hội An và quan trọng là giữ gìn văn hóa nơi đây, hướng dẫn người dân làm du lịch.

"Làm du lịch trong dân tốt hơn rất nhiều so với các dự án to đùng. Trong phố cổ Hội An đừng nên xây dựng thêm gì cả. Phát triển du lịch bền vững là phải làm sao giữ gìn được bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, và đặc biệt, làm sao người dân cũng phải có quyền lợi ở trong đó, không phải chỉ có mấy doanh nghiệp", nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô nói.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-quang-nam-cat-got-du-an-cong-vien-an-tuong-hoi-an-d70057.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Quảng Nam 'cắt gọt' dự án Công viên 'Ấn tượng Hội An'? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị