Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng Hà Nội khi chậm phá dỡ tại 8B Lê Trực

Mai Hương(T/H) 09:50 29/02/2020

Việc doanh nghiệp chưa trả chi phí phá dỡ công trình cho thành phố được cho biết do hơn 4 năm qua Hà Nội chưa có phương án phá dỡ và hồ sơ thanh toán, nên doanh nghiệp không thể quyết toán.

30 đơn vị được đề nghị tham gia...không lên tiếng

Sau gần 4 năm thực hiện cưỡng chế phá dỡ, đến nay, dự án tại số 8B Lê trực này vẫn chưa thể hoàn thành, nhiều người mua nhà rất bức xúc.

Liên quan đến việc chậm trễ phá dỡ dự này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay phương án phá dỡ tầng 17-18 đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định và kết luận không an toàn. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị của TP trưng cầu giám định phương án này, từ đó mới có các bước xử lý dứt điểm.

Ngày 27/2/2020, nói về việc hơn 30 đơn vị tư vấn trong nước được UBND Q. Ba Đình, TP. Hà Nội đề nghị tham gia lên phương án phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực nhưng phần lớn không trả lời, TS Hoàng Xuân Giang - Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, có thể do các đơn vị này chưa có đầy đủ thông tin về kết cấu tòa nhà nên không đưa ra được phương án phá dỡ.

Theo vị chuyên gia này, nước ta có nhiều chuyên gia giỏi thường xuyên công tác, học tập từ nhiều nước khác nhau và hoàn toàn có đủ trình độ, hiểu biết để áp dụng vào việc phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên, theo ông, thì điều quan trọng nhất để có thể lên được phương án phá dỡ theo trục dọc của tòa nhà 8B Lê Trực là phải có được bản hồ sơ gốc của tòa nhà. Khi đó, sẽ phác thảo được mô hình cần phá dỡ trên máy tính, xác định trong quá trình phá dỡ sẽ tác động đến những phần nào của tòa nhà, khi tác động đến thì có thể gây ra những hệ quả gì để từ đó có các phương án khắc phục.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này thì bản hồ sơ gốc thiết kế, thi công tòa nhà 8B Lê Trực không rõ như thế nào. Chính vì thế, việc phá dỡ tòa nhà không khác nào "người mù tự đi dò đường", như thế hiếm có đơn vị nào dám đứng ra nhận tư vấn và cam kết an toàn trong phá dỡ và kể cả sau này.

Chậm trễ phá dỡ là do cơ quan chức năng TP. Hà Nội chưa quyết liệt?

PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, việc phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực không quá khó nếu như đơn vị phá dỡ hiểu về kết cấu tòa nhà và được cấp kinh phí đầy đủ theo cam kết.

PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng).

Theo tôi được biết sơ đồ kết cấu của toà nhà này can thiệp vào tầng 17, 18 là can thiệp trực tiếp vào thay đổi của kết cấu. Vì bản thân ở sàn 17 cũng có hệ thống kết cấu dầm treo rất lớn.

Ở tầng 3 có dầm cao 2,5m và tầng 17 có dầm cao 1,8m. Bỏ dầm đó đi thì phải xem xét thiết kế của những dầm treo ấy như thế nào. Tất cả đều phải làm những giải pháp về kỹ thuật chứ không phải cứ cắt bỏ là cắt bỏ. Đây là vấn đề kỹ thuật phức tạp bởi nếu can thiệp tầng 17, 18 dầm chuyển ở tầng 3 còn lại không đủ để gánh các tầng còn lại.

Có thể hiểu như thế này, giả sử tải trọng dầm chuyển ở tầng 3 gánh 60% còn 40% là phần dầm ở tầng 17 bây giờ phá bỏ tầng 17 thì phải nghiên cứu phương pháp thay thế phần dầm đó ra sao.

Muốn có giải pháp thì phải hiểu kết cấu ban đầu, kết cấu hiện trạng ra sao, hồ sơ gốc, hoàn công của công trình như thế nào. Hoàn toàn chúng ta có thể làm được để toà nhà bền vững dù sẽ rất khó khăn và cũng tốn kém về kinh phí” - PGS.TS Trần Chủng bày tỏ.

Về kỹ thuật, Công ty CP may Lê Trực cũng cho rằng, công trình có kết cấu dầm treo (tương tự kết cấu cầu treo) nên việc phá dỡ không gia cố sẽ sập đổ cả tòa nhà. Tuy nhiên, việc gia cố lại không thực hiện được vì không thể đưa máy móc, thiết bị khoan cao 25 - 30 m vào trong tòa nhà cao 3-4 m để thi công.
Công ty CP may Lê Trực đồng thời phủ nhận thông tin của Hà Nội cho rằng mình không hợp tác, và khẳng định khi xảy ra vụ việc đã lập phương án tháo dỡ và đang tháo dỡ tầng 20 thì bị UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế, lập chốt bảo vệ không cho người dân và doanh nghiệp vào.
Việc doanh nghiệp chưa trả chi phí phá dỡ công trình cho thành phố được cho biết do hơn 4 năm qua Hà Nội chưa có phương án phá dỡ và hồ sơ thanh toán, nên doanh nghiệp không thể quyết toán.

Ông Chủng cho rằng, việc chậm trễ phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực không phải do yếu tố khách quan, trình độ kỹ thuật mà là do cơ quan chức năng TP. Hà Nội chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện xử lý sai phạm.

Cùng với đó ông cũng thẳng thắn đặt ra vấn đề về kinh phí thực hiện. “Ngay cả đơn vị cắt tầng tum và tầng 19 đến nay vẫn chưa được thanh toán thì các nơi họ từ chối có thể không phải năng lực kỹ thuật.

Tôi khẳng định các vấn đề kỹ thuật không khó đến mức độ Việt Nam không làm được mà phải thuê nước ngoài nhưng vấn đề là tại sao họ không làm mình cũng cần xem xét” – ông Chủng đặt vấn đề.

Chiều 25.2, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “Tầng 17, 18 có sai không? Quận và phường nói có sai, dân có đơn bảo có trong giấy phép. Có vượt chiều cao hay không, trách nhiệm của ai, chắc chắn cơ quan chức năng của thành phố sẽ làm rõ”.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cau-hoi-ve-trach-nhiem-cua-co-quan-chuc-nang-ha-noi-khi-cham-pha-do-tai-8b-le-truc-d71002.html

Bạn đang đọc bài viết Câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng Hà Nội khi chậm phá dỡ tại 8B Lê Trực tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự