Đó là câu hỏi đau đáu của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia sáng 25/2/2020.
Giá của phụ thuộc
Kết thúc phiên chứng khoán ngày 25/2/2020, VN-Index có dấu hiệu phục hồi, tăng 6,33 điểm (+0,7%). Tuy nhiên, khối ngoại lại gia tăng bán ròng trong phiên với khoảng 128 tỷ đồng trên hai sàn. Trước đó, VN-Index giảm gần 30 điểm trong phiên giao dịch ngày 24/2/2020, nhiều nhà đầu tư bán tháo. Giá vàng bán ra ở mức 49 triệu đồng/lượng ngày 24/2/2020 nhưng giảm xuống 47,8 triệu đồng/lượng trong chiều 25/2/2020. Tỷ giá USD mà Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 25/2/2020 là 23.245 đồng/USD (tăng 3 đồng so trước một ngày), các ngân hàng thương mại tăng 2 đồng ở giá bán. Điều này cho thấy tâm lý hoang mang, bất ổn của nhà đầu tư đối với thị trường tài chính, tiền tệ.
Nguyên nhân này chưa hẳn xuất phát từ dự báo về những khó khăn nội lực của nền kinh tế mà phần lớn do cú sốc quá mạnh trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tăng vọt tại nhiều nước. Dòng vốn FDI vào Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng tiêu cực khi ổ dịch bùng phát ở Hàn Quốc và đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc - hai quốc gia có đầu tư và quan hệ thương mại song phương lớn nhất nhì của Việt Nam. Nếu thị trường chứng khoán hai quốc gia này sụp đổ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn vào Việt Nam.
Thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất chỉ đáp ứng đến hết tháng 2. Nhiều doanh nghiệp (DN) có thể phải đóng cửa ngay trong tháng 3 tới. Kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành trong tháng 1 chỉ đạt 2,85 tỷ USD, giảm gần 23,5% so với cùng kỳ năm trước. 70% vải và nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn do dịch bệnh. Phương án nhập nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... là khả thi nhưng không thể trong một sớm một chiều, chưa kể đến việc đàm phán mua được hàng mà ngay chuyện thuyết phục các nhà nhập khẩu chấp nhận cho thay đổi nhà cung cấp đã là việc nan giải. 90% DN dệt may Việt Nam nằm trong nhóm quy mô nhỏ và vừa sẽ đi về đâu?
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là ba quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất (năm 2019 có 14,38 triệu lượt khách châu Á đến Việt Nam, chiếm 79,9% tổng số khách nước ngoài, phần lớn đến từ ba quốc gia này), nhưng hiện là ba quốc gia đang hứng chịu hậu quả dịch bệnh Covid-19 nặng nề nhất. Ba quốc gia này cũng tiêu thụ nông, thủy sản lớn của Việt Nam. Riêng Trung Quốc chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch XK nông, thủy sản của Việt Nam, trong đó có những mặt hàng chủ lực như hạt điều, cà phê, gạo, sắn, cao su, thủy sản...
Duy trì tăng trưởng kinh tế
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu khống chế được dịch Covid-19 trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP năm 2020 dự báo đạt 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với con số mà Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra, trong đó quý I tăng 4,52%, quý II tăng 6,08%, quý III tăng 6,92%, quý IV tăng 6,81%. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm phần trăm so với con số mà Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra, và giảm 0,29 điểm phần trăm so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020. Tuy nhiên, tác động tiêu cực đến nền kinh tế dường như xấu hơn dự báo. Kim ngạch XK sụt giảm, du lịch, dịch vụ thất bại nặng nề, hàng loạt DN ngành dệt may có nguy phá sản, hàng vạn lao động đối mặt với thất nghiệp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến chỉ số giá tiêu dùng khó giữ ở mức ổn định, tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá những mặt hàng thiết yếu đã xảy ra làm thị trường mất ổn định.
Có loại vắc xin nào để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Dù thành công bước đầu trong việc ngăn chặn Covid-19 nhưng chúng ta phải hướng tới “thắng lợi kép”, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất chủ trương, chính sách để giải quyết những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư. Đặc biệt là cơ chế miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19. Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản số 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, chưa thu các khoản nợ mà DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/3/2020, đồng thời, tiếp tục cho vay đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam là đất nước an toàn, có nền kinh tế phát triển ổn định. Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép: không để dịch Covid-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế ổn định. Đó là khẳng định và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh: Phải vượt qua khó khăn, phải thực hiện chính sách cải cách với tinh thần đồng tâm hiệp lực, với niềm tin, sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên. Quyết liệt chống dịch, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, phương án đối phó với những tác động đến kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài. Thủ tướng cho biết, chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng. Cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp. Vì vậy, cần thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chỉ thị “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ được các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân thực hiện nghiêm túc. Việt Nam hiện chưa ghi nhận thêm ca bệnh Covid-19 nào, 16 bệnh nhân trước đó đã được điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân thứ 16 xuất viện sáng 25/2/2020. Các trường hợp cách ly được theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Khách nước ngoài và công dân trong nước đến từ vùng dịch ngay khi nhập cảnh đã được kiểm tra y tế và cách ly nghiêm ngặt.
Đây là thành công rất lớn, thể hiện ý chí và sức mạnh Việt Nam. Từ thắng lợi này, phục hồi ngành du lịch là yêu cầu cấp bách. Chỉ sau hơn một tháng ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành du lịch thiệt hại rất nặng nề và tiếp tục thất thu khoảng 6-7 tỷ USD trong vòng ba tháng tới (du lịch đóng góp trực tiếp 9,2% GDP cả nước). Không chờ hết dịch bệnh, Liên minh Kích cầu Du lịch gồm 16 thành viên ban chủ nhiệm gồm đại diện các hãng lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, các hiệp hội du lịch đã ra mắt ngày 21/2/2020 vừa qua. Liên minh đang tích cực triển khai nhiều chương trình kích cầu hệ thống dịch vụ, du lịch trên cả nước, trong đó lấy phục hồi thị trường nội địa làm tiêu chí hàng đầu.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn