Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nói riêng, hàng rào phi thuế quan nói chung trước mắt sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với nông sản Việt Nam. Song về dài hạn, đó chính là động lực để các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, tiến tới tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ Việt Nam.
TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và động, thực vật khỏi những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua đường thương mại quốc tế. Nâng cao chất lượng hàng nông sản không chỉ là mục tiêu riêng của EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà của tất cả các thị trường; trong đó có Việt Nam
Vì vậy, thay vì coi các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật là “rào cản” thì người sản xuất, xuất khẩu nên nhìn nhận theo hướng tích cực đó là xu hướng nâng cao "tiêu chuẩn chất lượng" hàng nông sản. Bởi, những tiêu chuẩn được ban hành đều áp dụng với hàng hóa từ các tất cả các quốc gia và ngay cả sản phẩm trong nước cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn đó. Do đó, muốn tiếp cận, khai thác các thị trường thì việc đáp ứng, tuân thủ các tiêu chuẩn là điều tất yếu.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn để nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh năng lực sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của thế giới nói chung, các thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam nói riêng là ưu tiên các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản hữu cơ và sản phẩm chế biến.
Xu hướng tiêu dùng của thế giới nói chung, các thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam nói riêng là ưu tiên các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản hữu cơ và sản phẩm chế biến. Ảnh minh họa. |
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng đáp ứng các yêu cầu của thị trường, ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp được chứng nhận theo các tiêu chuẩn hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chế biến trong cơ cấu xuất khẩu.
Thêm vào đó, các mô hình, quy trình sản xuất nông sản phải đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, không gây tác động xấu đến môi trường sản xuất cũng như môi trường xung quanh; đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng được đời sống của người sản xuất, đặc biệt là người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần bắt đầu bằng việc kiểm soát quy hoạch vùng trồng một cách bài bản, xây dựng thương hiệu trái cây cho từng vùng, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể; giảm thiểu tình trạng trồng tràn lan các loại cây ăn trái có giá trị dẫn đến dư thừa sản lượng. Song song đó là đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phù hợp với yêu cầu đặc thù của mặt hàng rau quả, nông sản…
Theo Chất lượng Việt Nam online