Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Sớm có quy định thế nào là hàng Việt, hàng sản xuất tại Việt Nam

Theo SKCĐ 08:38 22/09/2019

Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM vừa tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 47 với chủ đề "Xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh hội nhập".

Chỉ nên sử dụng Thông tư này như công cụ để đối chiếu

Theo Người Lao động, tham dự chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận tính cấp thiết của việc ban hành thông tư về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, khoảng 10 năm trước, việc ghi nhãn hàng Việt không phải là vấn đề quan trọng do uy tín của hàng Việt chưa cao, ghi nhãn không những không mang lại giá trị gia tăng mà thậm chí còn phản tác dụng.

Gần đây, với sự thay đổi về chất lượng và mẫu mã của hàng Việt Nam, việc ghi nhãn "Made in Vietnam" được cho là để dễ bán hàng hơn. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện khoảng trống pháp lý về quy định hàng hóa thế nào được dán nhãn Việt Nam.

"Từ đầu năm 2018, Bộ Công Thương thấy cần ban hành quy định thế nào là hàng Việt, hàng sản xuất tại Việt Nam… làm căn cứ để phân xử đúng - sai cho DN" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông tin.

Trong phần thảo luận, bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cũng thừa nhận tình trạng nhiều năm trước, người Việt Nam chưa tin tưởng hàng sản xuất trong nước. Bản thân hệ thống Saigon Co.op cũng phải gắn chữ "Hàng Việt chất lượng cao" để thu hút khách hàng đến với siêu thị.

"Thời điểm đó, chúng tôi quan niệm đơn giản là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tức là hàng Việt Nam, sau đó mở rộng ra khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sản phẩm được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, tức đã có giá trị gia tăng thì dù sử dụng nguyên liệu nhập khẩu vẫn có thể xem xét là hàng Việt. Bởi vì, các nghiên cứu thị trường cho thấy nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam chưa phát triển, cần nhập khẩu nhiều" - bà Hạnh nêu quan điểm.

Diễn giả thảo luận tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 47.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, bày tỏ mong muốn dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương không tạo thêm thủ tục hành chính với DN mà tích hợp thông tin từ các thông tư, nghị định khác một cách hệ thống cho DN dễ hiểu.

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty May thêu đan Giày An Phước, cho biết An Phước mua bản quyền của Pierre Cardin khoảng 20 năm trước và phải nhập nguyên phụ liệu nước ngoài về để sản xuất.

"Chúng tôi vẫn hiểu hàng hóa "Made in Vietnam" là có nhà máy tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, công nhân Việt Nam làm ra sản phẩm. Lâu nay theo tiêu chí đó nhưng hiện giờ cũng thấy hoang mang về việc xác định thế nào là hàng Việt" - bà Điền bày tỏ.

Giải đáp các vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ với mong muốn của DN không muốn phát sinh thêm công cụ để cơ quan chức năng cản trở công việc kinh doanh của DN.

"Chỉ nên sử dụng thông tư này như công cụ để đối chiếu khi có chuyện xảy ra. Quá trình hoàn thiện thông tư, chúng tôi sẽ thể hiện rõ hơn điều này" - ông Trần Quốc Khánh khẳng định.

Nghị định 43 vẫn còn thiếu một số quy định

Trước đó, thông tin trên Tuổi trẻ Thủ đô tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về quá trình lấy ý kiến, ban hành Thông tư quy định về hàng hóa "Made in Vietnam".

Theo đó, ông Hải cho biết, hiện Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, chức trách được giao. Về tiêu chuẩn hàng "Made in Vietnam" cũng như hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam, ngày 14/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43 quy định về ghi nhãn hàng hóa, trong đó cũng có thông tin về xuất xứ hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Theo ông Hải, khi Nghị định 43 được ban hành vẫn còn thiếu một số quy định, đặc biệt là những quy định về xuất xứ Made in Vietnam cũng như xuất xứ hàng hóa ngay tại Việt Nam. Ngày 29/6/2018, Bộ Công thương đã có tờ trình báo cáo Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào là sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã tiến hành phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và đã hoàn thành dự thảo ban đầu là Thông tư và đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan.

"Thông tư này có đối tượng tác động rất rộng, nội dung tương đối phức tạp, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của đông đảo người dân và doanh nghiệp, các đối tượng có liên quan. Tuy nhiên, chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp. Chúng tôi sẽ ban hành Thông tư này trong thời gian sớm nhất với mục đích đảm bảo hướng cho các sản phẩm sản xuất, cũng như quyền lợi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Việt Nam", ông Hải cho biết.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2019, Bộ Công thương đã thông báo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo dự thảo Thông tư, hàng hóa được coi là "Made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản, động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... thì được coi là hàng hoá của Việt Nam.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/som-co-quy-dinh-the-nao-la-hang-viet-hang-san-xuat-tai-viet-nam-d61991.html

Bạn đang đọc bài viết Sớm có quy định thế nào là hàng Việt, hàng sản xuất tại Việt Nam tại chuyên mục Giá cả - hàng hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Giá cả - hàng hóa
Sức ép từ lượng đường rất lớn được trợ giá nhập lậu, tạm nhập nhưng không tái xuất, đường nguyên liệu nhập về để tinh chế rồi để lại tiêu thụ trong nước với giá rẻ đã đẩy khó khăn của ngành Mía đường