Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số nộp bảo hiểm xã hội lên 30 - 40 bậc đến năm 2021, năm 2019 nâng từ 7 - 10 bậc, đồng thời yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số nộp bảo hiểm xã hội.
Triển khai nhiệm vụ này, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nâng xếp hạng chỉ số nộp BHXH lên 30 - 40 bậc vào năm 2021
Ngày 01/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu: “Nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) (A2) lên 30 - 40 bậc; năm 2019 từ 7 - 10 bậc”, đồng thời, giao BHXH Việt Nam xây dựng tài liệu hướng dẫn để có cách hiểu đúng, thống nhất về cấu phần “nộp BHXH” trong chỉ số A2 và xác định các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo.
Chỉ số A2 đo lường thời gian thực hiện nộp thuế và nộp BHXH, được xếp hạng dựa trên 4 yếu tố gồm: Số lần nộp thuế (chiếm 25%), thời gian (số giờ nộp thuế và BHXH trong năm, chiếm 25%), tổng thuế suất và các khoản phải nộp (% lợi nhuận chiếm 25%), chỉ số sau nộp thuế (chiếm 25%) với các tiêu chí đánh giá: Số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và chỉ số đo lường chất lượng các quy định.
Chỉ số nộp thuế và BHXH là một trong 11 chỉ số mà Ngân hàng Thế giới thực hiện điều tra, khảo sát để đánh giá mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của một đất nước, đánh giá mức độ cải cách trong từng lĩnh vực. Các chỉ số chủ yếu được đánh giá trên các tiêu chí như số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và chỉ số đo lường chất lượng các quy định.
Ngành Bảo hiểm Xã hội "dồn sức" cho nâng xếp hạng chỉ số nộp bảo hiểm xã hội. |
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, việc đo lường, đánh giá cấu phần nộp BHXH có ý nghĩa lớn trong việc giúp các nhà đầu tư xem xét mức độ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động khi nộp BHXH; đồng thời, giúp cơ quan BHXH xem xét kết quả đánh giá độc lập về hoạt động cải cách đối với các TTHC tác động tới doanh nghiệp (DN) trong năm.
Tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính
Để thực hiện mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và BHXH lên 30 - 40 bậc; năm 2019 từ 7 - 10 bậc, ngành BHXH tập trung tối đa mọi nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp, quyết liệt thực hiện cải cách TTHC, trong đó, nâng xếp hạng chỉ số nộp BHXH là một trong những mục tiêu quan trọng mà toàn Ngành đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đã xây dựng tài liệu hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố để có cách hiểu đúng, thống nhất về cấu phần “nộp BHXH” trong Chỉ số nộp thuế và BHXH; yêu cầu các đơn vị kịp thời, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thời gian thực hiện “nộp BHXH”, góp phần nâng tầm xếp hạng chỉ số nộp BHXH. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện phần mềm kê khai nộp BHXH để tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc kê khai, kết xuất và chuyển dữ liệu cho cơ quan BHXH.
Nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu đến năm 2021, nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và BHXH lên 30 - 40 bậc, năm 2019 từ 7 - 10 bậc, toàn ngành BHXH đã, đang và sẽ nỗ lực trong việc thực hiện cải cách TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho DN tham gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Riêng trong năm 2019, BHXH đã và đang dồn sức tập trung thực hiện 3 trọng tâm đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin: Tiếp tục cải cách TTHC, triển khai sâu rộng hơn ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; Cung cấp tốt hơn các giải pháp liên quan đến hoạt động phục vụ người dân và DN; Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, trong đó tập trung vào công tác đào tạo.
Theo Tạp chí Tài chính