Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Vị đắng mía đường!

DTVN 09:50 19/09/2019

Sức ép từ lượng đường rất lớn được trợ giá nhập lậu, tạm nhập nhưng không tái xuất, đường nguyên liệu nhập về để tinh chế rồi để lại tiêu thụ trong nước với giá rẻ đã đẩy khó khăn của ngành Mía đường

Ai đang lũng loạn thị trường đường ăn trong nước thời gian qua? là vấn đề cần được các bộ, ngành chức năng vào cuộc làm sáng tỏ để cứu 300 ngàn hộ với khoảng 1,2 triệu người dân sống bằng cây mía; cứu 30 nhà máy đường đang lần lượt đối mặt với nguy cơ phá sản.

Trước thực trạng ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn khi lượng đường tồn kho còn rất lớn, nhiều nhà máy sản xuất đường nợ nần chồng chất, đối mặt với nguy cơ phá sản ông Lê Hồng Thái, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiến nghị ngừng xuất khẩu mặt hàng đường theo loại hình sản xuất xuất khẩu (SXXK) qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ của tỉnh Lào Cai.

Lý do dẫn đến kiến nghị này, theo quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sau một năm được Chính phủ cho thực hiện thí điểm, chỉ có 2 DN tham gia xuất khẩu theo hình thức này, gồm Công ty CP TM DV Song Phương (Công ty Song Phương) và Công ty TNHH TMTH Nghĩa Anh (Công ty Nghĩa Anh). Trong đó, chỉ có Công ty Song Phương sử dụng đường trắng RS sản xuất từ nguồn mía nguyên liệu trong nước của các công ty đường Sơn La, An Khê, Sông Con và Lam Sơn để xuất đi.

Người nông dân sản xuất mía đang gặp nhiều khó khăn

Ngược lại, Công ty Nghĩa Anh chỉ sử dụng đường tinh luyện RE được chế biến từ loại đường thô nhập khẩu theo loại hình SXXK của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa. Đã vậy, lượng đường do Công ty Song Phương xuất đi khá khiêm tốn, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu.

Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đường trắng RS sản xuất trong nước mà Công ty Song Phương xuất đi không thể cạnh tranh về giá so với đường RE được chế biến từ đường thô nhập khẩu do Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa sản xuất theo loại hình SXXK.

Mục tiêu “giải cứu” 700 - 800 ngàn tấn đường sản xuất từ nguồn nguyên liệu mía trong nước không đạt; khó khăn của người trồng mía và các nhà máy đường tiếp tục tăng thêm đến mức cùng cực. Tiếp tục có thêm một số nhà máy đường phải đối mặt với nguy cơ phá sản, nông dân không thể tiếp tục trồng mía…

Theo tài liệu mà PV Báo CAND có trong tay, một trong những nguyên nhân dẫn tới khó khăn của ngành Mía đường thời gian qua có phần trách nhiệm của ông Phạm Quốc Doanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường.

Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, ngày 22-6-2018, ông Doanh đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cho phép xuất khẩu mặt hàng đường qua các đường mòn, lối mở đã được tỉnh Lào Cai công bố đủ điều kiện.

Đưa ra đề nghị này, ông Doanh cho rằng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành Mía đường khi lượng đường tồn kho đến tháng 6-2018 đã ở mức 700 ngàn tấn, chiếm một nửa lượng đường các nhà máy sản xuất ra từ nguồn mía nguyên liệu trong nước.

Xin chủ trương thì nói vậy, nhưng tháng 10-2018, ông Doanh đã đề nghị tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính làm rõ cơ sở pháp lý của đường tinh luyện (nhập khẩu đường thô về tinh luyện) là hàng hóa của Việt Nam để mặt hàng này được phép xuất khẩu qua các đường mòn, lối mở ở tỉnh Lào Cai. Việc này tiếp tục giúp lượng đường rất lớn do Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa sản xuất từ đường thô nhập khẩu được xuất đi.

Phản ứng lại dấu hiệu lợi dụng chức danh Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, sử dụng thủ đoạn để làm trái chủ trương thí điểm của Chính phủ, gây thiệt hại nặng cho các nhà máy đường và người trồng mía, trong văn bản gửi tới Hiệp hội Mía đường vào ngày 24-7-2019, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, Ủy viên Hiệp hội Mía đường cho biết, thời điểm trước 1-1-2018, mặt hàng đường sản xuất từ nguyên liệu trong nước xuất khẩu sang Trung Quốc bị cạnh tranh gay gắt bởi đường tạm nhập, tái xuất án ngữ.

Vì vậy phần lớn lượng đường xuất khẩu thời gian này là đường tạm nhập, tái xuất. Khi việc thực hiện xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng đường qua đường mòn, lối mở đã hết thời gian thí điểm, các DN phải ngưng xuất khẩu. Nhưng trong khi chờ được Chính phủ gia hạn thì lượng đường tạm nhập tái xuất do Công ty Nghĩa Anh làm đầu mối vẫn ngang nhiên xuất đi.

Mặc cho các Ủy viên BCH và thành viên Hiệp hội Mía đường liên tiếp phản ứng về tình trạng đường tồn kho không xuất khẩu đi được; đường “ngoại” đội lốt đường sản xuất từ nguyên liệu trong nước và lượng đường SXXK án ngữ cửa ngõ xuất khẩu qua Trung Quốc, thì Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Phạm Quốc Doanh khi đó liên tục khẳng định rằng Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa đã làm đúng luật.

Cho rằng sự thật đã bị bóp méo, có dấu hiệu làm trái chủ trương của Chính phủ và lợi ích nhóm trong sự việc này, ông Đặng Việt Anh đã đề nghị các Ủy viên BCH và thành viên Hiệp hội có kiến nghị tới các cơ quan Trung ương cùng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an làm rõ việc lợi dụng chủ trương thí điểm này.

Trong khi lượng đường sản xuất từ nguồn mía nguyên liệu trong nước liên tục tồn kho ở mức 700 - 800 ngàn tấn trong các niên vụ sản xuất gần đây, thì báo cáo tài chính của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa lại cho thấy hiện tượng hết sức bất thường: Niên vụ sản xuất 2017-2018, doanh thu từ bán đường của công ty này đạt con số hơn 9.085 tỉ đồng, tăng gấp hơn 2,5 lần so với niên vụ trước đó.

Để có được doanh thu “khủng” như vậy, DN phải có khoảng 850 ngàn tấn đường thành phẩm để bán ra, trong khi cả niên vụ sản xuất 2017-2018, các nhà máy đường của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa chỉ đạt 290 công suất ngàn tấn. Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa lấy đường ở đâu ra để bán ngoài việc lợi dụng chính sách để tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc nhập lậu là vấn đề cần được làm rõ.

Nguồn: Báo Công an nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Vị đắng mía đường! tại chuyên mục Giá cả - hàng hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Giá cả - hàng hóa