Theo thông tin trên báo Đấu thầu, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào Danh mục mặt hàng cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất các sản phẩm đã qua sử dụng nhưng có đặc trưng của phế liệu.
Bộ Tài chính cho biết, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Phế liệu là mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mặt hàng đã qua sử dụng nhưng có đặc trưng của phế liệu như bao tải dứa, màng nhựa không có trong danh mục cấm, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và Thông tư 41/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung mặt hàng đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu như bao tải dứa, màng nhựa vào Danh mục phế liệu cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Ảnh minh họa |
Cũng nội dung này, Báo Hải Quan cho hay, để cơ quan Hải quan có cơ sở và thống nhất thực hiện nội dung quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương quy định rõ những mặt hàng nào là mặt hàng chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam thuộc mặt hàng phải được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc trường hợp không quy định cụ thể thì đề nghị loại trừ hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam ra khỏi các trường hợp hàng hóa phải có giấy phép của Bộ Công Thương khi kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Ngoài ra, Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý đối với hàng hóa là thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, khuôn, mẫu tạm nhập tái xuất theo các hợp đồng thuê mượn của thương nhân Việt Nam ký với bên nước ngoài theo hướng chỉ có thương nhân Việt Nam ký hợp đồng với bên nước ngoài được sử dụng hàng hóa tạm nhập đó đúng mục đích, không được cho các DN khác mượn, thuê lại hàng hóa đó.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan rà soát, chấn chỉnh hoạt động hoạt động kinh doanh kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất theo hướng giảm các mặt hàng được phép kinh doanh tạm nhập tái xuất và các doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật.
Để đảm bảo công tác quản lý hải quan, tháng 7/2019, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, đảm bảo hàng hóa tạm nhập tái xuất được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khi tạm nhập đến khi thực tái xuất đúng quy định.