Chưa đạt mục tiêu đặt ra Đánh giá kết quả đạt được thông qua cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2020 đạt được một số kết quả tích cực.
Trong đó, pháp luật về CPH ngày càng đáp ứng yêu cầu về công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Ước tính sẽ đạt mục tiêu chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thông qua việc CPH khoảng 750 DNNN trong giai đoạn này. Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, thu ngân sách nhà nước từ CPH, thoái vốn đạt kết quả khá, nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trên 177.000 tỷ đồng. Số tiền từ quỹ này chuyển về ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch được giao theo Nghị quyết của Quốc hội cho giai đoạn 2016 - 2020…
Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, Báo cáo nghiên cứu về kết quả cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011 - 2020 của CIEM công bố ngày 23/9/2019 cho thấy, quá trình tái cơ cấu DNNN còn nhiều hạn chế. 4 nhóm mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 chỉ hoàn thành ở mức trung bình, thậm chí là thấp. Điển hình là chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của DNNN còn thấp.
Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh), làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung. Về xử lý dự án thua lỗ, đến nay, việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương đã có dấu hiệu tích cực, nhưng khó có thể đạt mục tiêu.
Lý do là thời hạn hoàn thành xử lý các dự án này đang đến gần, nhưng hiện chỉ có 2/12 dự án có dấu hiệu sáng. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận của các DNNN thấp; rủi ro vay nợ còn lớn; năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu…
Đánh giá về những vấn đề của thể chế kinh tế và quản trị DNNN, CIEM cho rằng, quản trị DNNN còn khoảng cách xa so với thông lệ quốc tế, đặc biệt là khi xem xét các tiêu chí về 2 vấn đề: Một là đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bộ máy quản lý DNNN; hai là trách nhiệm giải trình về hoạt động của DNNN và hiệu quả hoạt động của cơ quan chủ sở hữu.
Theo báo cáo của CIEM, định hướng đến năm 2030, hầu hết DNNN sẽ có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, phấn đấu có 3 - 5 đơn vị niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế; có 1 - 3 DN thuộc danh sách 500 DN lớn nhất thế giới. Từ nay đến năm 2025 sẽ chuyển khoảng 90% đơn vị trong tổng số 103 DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Trong xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, CIEM đề xuất cần thay đổi tư duy về kinh tế nhà nước, DNNN, nhất là về chức năng của DNNN.
Theo đó, không còn cần thiết phải xác định DNNN là lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước, bởi DNNN không còn chiếm đa số trong cơ cấu tài sản của kinh tế nhà nước, vai trò của các bộ phận cấu thành ngoài DNNN rõ nét hơn. Về việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô và điều tiết thị trường, cơ quan nghiên cứu cho rằng, đã là DNNN phải có chức năng kinh doanh, tập trung vào nhiệm vụ kinh tế. Việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội do đất nước đặt hàng giao cho mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc thị trường.
Việc sử dụng công cụ chính sách tài khóa, chính sách an sinh xã hội và các nguồn lực của quản lý nhà nước sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với sử dụng công cụ là DNNN.
Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Nhiều năm qua, chúng ta loay hoay, dùng dằng cải cách vì thiếu tư duy mới, cách tiếp cận mới. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, chúng ta cần thay đổi tư duy cải cách”.
Định vị chức năng của DNNN trong giai đoạn tới, theo ông Cung, “đừng khoác cho họ cái áo phải thực hiện các nhiệm vụ “thúc đẩy”, “dẫn dắt”…, mà phải để cho DN thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Đã là DN thì nhiệm vụ đầu tiên là hoạt động có hiệu quả, trong đó hiệu quả tài chính (lợi nhuận) đặt lên hàng đầu. Nếu cứ giữ quan điểm coi DNNN là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô thì dễ gây méo mó thị trường, còn DN hoạt động kém hiệu quả”.
Đối với vấn đề sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn, theo ông Cung, không nên đưa khoản thu này vào ngân sách nhà nước. Tiền thu được từ CPH phải để đầu tư ra tài sản khác có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn.
Nhìn lại kết quả CPH DNNN giai đoạn vừa qua, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Khái niệm CPH hiện nay mong manh tới mức là chỉ cần bán 1% cổ phần thì cũng được gọi là CPH. Việc CPH như vậy gần như là động tác giả chứ chưa chuyển đổi cơ cấu sở hữu, không thay đổi quản trị, không đảm bảo cho kinh tế tư nhân lớn lên”.
Do đó, ông Thiên đề xuất, đến lúc chúng ta cần chuyển khái niệm CPH thành khái niệm tư nhân hóa để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng.
Theo Đấu Thầu