Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Khái niệm cổ phần hóa đã đến lúc thay đổi?

DTVN 20:48 23/09/2019

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến năm 2030, kế hoạch năm 2021 – 2025.

Quản trị DNNN vẫn còn cách xa thông lệ quốc tế

Trình bày kết quả nghiên cứu “Kinh tế nhà nước (KTNN) và cơ cấu lại DNNN: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011 – 2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021 – 2030”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn vừa qua, hiệu quả tổng thể của khu vực KTNN đã tốt hơn giai đoạn trước, năng suất lao động xã hội cao hơn bình quân chung.

KTNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp gần 30% tăng trưởng kinh tế; có vai trò quyết định để thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước… Xét về vai trò chủ đạo, có thể nói KTNN đã thực hiện được vai trò chủ đạo nếu nhìn trên các mặt: KTNN đóng góp quyết định cho hệ thống cơ sở vật chất; KTNN là lực lượng vật chất để Nhà nước phân phối nguồn lực gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; trực tiếp cung cấp hầu hết các dịch vụ công… Hệ thống tài sản sở hữu toàn dân đang được giao cho các thành phần kinh tế khai thác, sử dụng…

PGS TS Trần Đình Thiên

Bên cạnh đó, khu vực này vẫn tồn tại nhiều hạn chế mà thấy rõ nhất là hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp hơn so với hiệu quả đầu tư của thành phần kinh tế khác. Tỷ trọng GDP, thu ngân sách, tạo việc làm và thị phần ở hầu hết các ngành giảm, nhất là ở những ngành có mức độ cạnh tranh cao.

Các vai trò “dẫn dắt”, “tạo động lực phát triển”, “định hướng”, “điều tiết” nền kinh tế chưa được thể hiện rõ hoặc chưa thực hiện được. Về kết quả cơ cấu lại DNNN thông qua cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo của CIEM đáng giá những kết quả tích cực giai đoạn này là pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn ngày càng đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Đạt mục tiêu chuyển DN 100% vốn thành công ty cổ phần nhiều chủ sở hữu, thay đổi mô hình quản trị, quản lý, điều hành DNNN.

Đồng thời, đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả DN qua cổ phần hóa. Bên cạnh đó, kế hoạch thu ngân sách từ cổ phần hóa, thoái vốn cũng có khả năng cao hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, CIEM cũng đánh giá kế hoạch tái cơ cấu DNNN khó đạt mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, chưa đạt mục tiêu là “DNNN có cơ cấu hợp lý hơn”.

Sau gần 10 năm cải cách, quản trị của DNNN vẫn còn khoảng cách xa so với thông lệ quốc tế, đặc biệt khi xem đến các tiêu chí về đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bộ máy quản lý DNNN. Trách nhiệm giải trình về hoạt động của DNNN; tính chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả của cơ quan đại diện chủ sở hữu…

Cơ chế phân bổ nguồn lực chưa thay đổi nhiều

Bình luận về các đánh giá này, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định đây là chủ đề đặc biệt quan trọng. 10 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế của chúng ta chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề của kinh tế nhà nước, từ đầu tư công đến tài chính. Để nhìn nhận một cách rõ nhất về vai trò, hiệu quả của khu vực KTNN, trước hết phải đánh giá từ hiệu quả của khu vực này với nền kinh tế. Với tư cách là thành phần kinh tế chủ đạo, KTNN đã làm gì, đem lại những gì cho nền kinh tế.

Theo ông Trần Đình Thiên, có thể thấy 10 năm qua nền kinh tế có tăng trưởng nhưng cấu trúc, mô hình tăng trưởng không thay đổi bao nhiêu. Cơ chế phân bổ nguồn lực hầu như không thay đổi nhiều. Mặc dù khu vực KTNN được đánh giá tốt lên, nhưng phải theo chuẩn mực phát triển. Việc tốt lên phải đảm bảo cho Việt Nam cạnh tranh hơn, cho khu vực tư nhân tốt hơn.

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, khái niệm cổ phần hóa đã được sử dụng quá lâu. Nhiều DNNN cổ phần hóa dù chỉ vài phần trăm cũng được coi là đã cổ phần hóa, trong khi việc cổ phần hóa như vậy không làm thay đổi cách phân bổ nguồn lực, thay đổi quản trị của DN như mục tiêu đặt ra, do đó không phát triển được thị trường. Vì vậy, ông đề xuất sắp tới có thể chuyển sang khái niệm tư nhân hóa, áp dụng khái niệm này thì quá trình tái cơ cấu DNNN mới có thể thực sự thay đổi nền tảng, thay đổi cấu trúc quản trị, tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Tạ Ngọc Nam, Phó trưởng phòng Kế hoạch và chiến lược Mobifone cho biết, có những DN cổ phần hóa rất ì ạch, 3, 4 năm mới xong và cũng có nhiều DN chỉ 12 – 18 tháng đã cổ phần hóa xong.

Tuy nhiên, một số DN cổ phần hóa nhanh chóng đã phát sinh vấn đề sau đó. Bên cạnh đó, theo ông Tạ Ngọc Nam, cách thức cổ phần hóa cũng còn những bất cập. Chẳng hạn như việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa ở mỗi DN, mà theo ông Nam là thiếu chuyên nghiệp do cơ cấu khác nhau. Nên chăng thành lập một bộ phận chuyên trách về cổ phần hóa để làm việc với các nhà tư vấn. Về phía DN, có thể tham gia Ban này về mặt định hướng, chiến lược phát triển, lợi ích của người lao động…

Kiến nghị về định hướng nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, các chuyên gia của CIEM đề nghị DNNN chỉ tập trung vào 4 nhóm ngành, lĩnh vực theo Điều 10 của Luật 69, thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực khác. Từ nay đến năm 2025, thực hiện theo Nghị quyết số 12/-NQ/TƯ “hầu hết DNNN là DN sở hữu hỗn hợp”.

Theo đó, tiếp tục chuyển khoảng 90% của 103 DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Chỉ nên giữ lại hình thức DN 100% vốn đối với một số đơn vị như: các nhà xuất bản, Nhà máy In tiền Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Thông này được tác giả Hoàng Yến đăng tải trên tờ Thời báo tài chính Việt Nam.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/khai-niem-co-phan-hoa-da-den-luc-thay-doi-d62044.html

Bạn đang đọc bài viết Khái niệm cổ phần hóa đã đến lúc thay đổi? tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược