Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019, phiên thảo luận về Cải cách chính sách tài chính đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam do GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các diễn giả, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý tập trung thảo luận xung quanh vấn đề về mô hình tăng trưởng, đưa ra những thực trạng, điểm nghẽn và các giải pháp đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới, cũng như cải cách chính sách tài chính để hướng tới phát triển bền vững.
Tại phiên thảo luận, PGS.TS. Lê Xuân Bá – chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những điểm nghẽn trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam gồm: Vốn đầu tư phát triển không nhiều nhưng hiệu quả lại thấp; Lao động đông nhưng kém kỹ năng, thể lực yếu, kỷ luật lao động kém; Đóng góp của TFP vào GFP không cao.
Trong bối cảnh đó, Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá cho rằng, cần có bước đột phá trong đổi mới thể chế kinh tế. Trong đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII; Thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (vận hành đầy đủ,đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển); Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách; Xây dựng nhà nươc kiến tạo, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, môi trường thuận lợi cạnh tranh; Hoàn thiện chế độ sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế,các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân; Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; Đẩy mạnh,nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội thảo đã chỉ ra nhiều vấn đề và các định hướng tháo gỡ giúp thúc đẩy nền kinh tế |
Bên cạnh đó, Chuyên gia Lê Xuân Bá cho rằng cần đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, trong đó nhà nước chỉ nên tập trung cho các công đoạn then chốt trong một số lĩnh vực quan trọng; đảm bảo kinh phí thỏa đáng cho những đơn vị thực hiện những nhiệm vụ KH&CN mà nhà nước bắt buộc phải thực hiện. Phát triển KHCN phải theo hướng thúc đẩy sáng tạo, tạo áp lực và môi trường cạnh tranh, theo kịp với các thành tựu KHCN trên thế giới.
Ông Lê Xuân Bá nhấn mạnh: Chúng ta cần chấm dứt tình trạng bấu vứu vào "bầu sữa ngân sách nhà nước" trong khoa học công nghệ. Cũng như phải đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo và có chính sách phù hợp để huy động vốn đầu tư vào khu vực tư nhân.
Chia sẻ về vấn đề đầu tư nguồn vốn con người và năng suất lao động, ông Jun Fan chuyên gia về chính sách xã hội, Văn phòng UNICEF, khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhấn mạnh đến một số điểm đáng lưu ý trong chi tiêu công liên quan đến năng suất lao động ở Việt Nam.
Ông Fan đặt ra câu hỏi: Trong khi phân bổ ngân sách chung của Việt Nam cho các ngành xã hội rất ấn tượng thì câu hỏi đặt ra là việc chi tiêu thực tế cho những vấn đề quan trọng là gì? Liệu tỷ trọng chi tiêu cho lĩnh vực xã hội trên GDP hay tổng chi tiêu của chính phủ ở cấp quốc gia có phải là một chỉ số tốt để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc chi tiêu cho ngành xã hội khi mà mức độ huy động nguồn lực của Việt Nam còn tương đối thấp. Trong khi đó, ưu tiên chi tiêu trong ngành xã hội chưa hỗ trợ nhiều cho việc tăng năng suất lao động…
Ông Jun Fan khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dịch vụ xã hội và cải thiện thực hiện ngân sách trong các lĩnh vực xã hội mà vẫn duy trì được mức độ phân bổ chung cho các ngành xã hội,trong đó tập trung việc thực hiện ngân sách chung cho lĩnh vực giáo dục và y tế, chú trọng đến công bằng; Tăng ngân sách cho lĩnh vực bảo trợ xã hội cho trẻ em…
Cũng tại Phiên thảo luận, bà Jacqueline Cottrell, Chuyên gia tư vấn chính sách tài khóa môi trường, Phó Chủ tịch cơ quan Ngân sách xanh châu Âu đã đưa ra các khuyến nghị nhằm tiếp tục thực hiện chính sách tài chính xanh sau năm 2020. Bà Jacqueline Cottrell cho rằng: Việt Nam cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và thíc
h ứng biến đổi khí hậu khi xây dựng chiến lược về kế hoạch phát triển, ví dụ chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội sau 2020; Đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung các lĩnh vực sáng tạo xanh có tiềm năng tạo ra tăng trưởng cao ở Việt Nam và cải thiện hiệu quả năng lượng trong công nghiệp trong nước; Đảm bảo thuế suất xanh đủ cao và được duy trì để thay đổi ứng xử của người tiêu dùng và khuyến khích đầu tư kinh doanh; Tăng cường các điều kiện khung đối với hợp tác công – tư và đầu tư xanh.
Bà Jacqueline Cottrell đưa ra các khuyến nghị nhằm tiếp tục thực hiện chính sách tài chính xanh sau năm 2020
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế Quốc dân) đưa ra ý muốn đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thực hiện tài chính xanh thì chính sách tài khóa là một trong những công cụ hữu hiệu và hiệu quả nhất.
Chia sẻ về quan đểm cải cách chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, GS.TS Nguyễn Thị Cành (Đại học Kinh tế - Luật) cho rằng, cần xem xét mối quan hệ giữa tốc độ đầu tư vốn từ NSNN vào cơ sở hạ tầng và đầu tư cho giáo dục; cung cấp hàng hóa dịch vụ công, cơ sở hạ tầng của nhà nước đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó cần xây dựng chính sách tài khóa phải hướng đến tính an toàn và bền vững. "Cần giảm chi thường xuyên thông qua tinh giản biên chế, cải cách hành chính, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ tài chính để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước".
Chuyên gia Nguyễn Thi Cành nhấn mạnh. Cũng theo bà Nguyễn Thị Cành, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ có thể phát triển hạ tầng thông qua hình thức hợp tác công -tư (PPP). Trong đó, Chính phủ cần xem lại các quy định pháp luật của các hình thức hợp tác PPP, và cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát quản lý đầu tư công, tiếp tục tái cơ cấu DNNN theo hướng nhà nước chỉ giữ một số ngành then chốt.
Phát biểu tại phiên thảo luận, GS.TS Nguyễn Công nghiệp cho rằng, trong hơn 30 năm cải cách thì nền kinh tế Việt Nam cũng tận dụng được những lợi thế về nguồn lao động, tài nguyên...của mình để phát triển. Trong những năm tới, cần phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả để giúp có thể tiếp tục tăng trưởng và không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi tư duy từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà quản lý, muốn thay đổi mô hình tăng trưởng cần phải xem vào bối cảnh, và xây dựng chiến lược phát triển phải dựa vào những gì mình đang có, vì phải vấn đề đặt ra là tài chính đóng vai trò an toàn hiệu quả hay vai trò là người dẫn dắt. Tức là phải hướng vào tài chính để đổi mới mô hình tăng trưởng, phải đầu tư vào con người. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải cải cách bộ máy thể chế là vấn đề cốt lõi để đổi mới mô hình tăng trưởng./.
THeo Cổng thông tin của Bộ Tài Chính.