Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Golden Gate lỗ hơn 430 tỷ đồng năm 2021

NGƯỜI ĐƯA TIN 14:09 06/04/2022

Do phải đóng cửa nhiều nhà hàng trong thời gian giãn cách, Golden Gate lần đầu báo lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài chính cách đây một thập kỷ.

Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) mới đây đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh so với năm trước đó.

Cụ thể, doanh thu của Golden Gate đạt 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 27% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán thực phẩm và đồ uống đạt 3.304 tỷ đồng, chiếm 99,6% cơ cấu doanh thu công ty. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất 4 năm trở lại đây của Golden Gate. Công ty tiết lộ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cửa hàng của chuỗi này phải đóng cửa trong thời gian dài.

Chi phí tài chính của Golden Gate năm 2021 đạt 44 tỷ đồng, tăng mạnh 112,6% so với năm 2020. Trong đó, riêng chi phí lãi vay là 42,2 tỷ đồng. Chi phí này phát sinh do năm vừa rồi, Golden Gate phát hành 488,6 tỷ đồng trái phiếu, có kỳ hạn 36 tháng, bảo đảm bằng 573.372 cổ phần của công ty thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Golden Gate Partners. Golden Gate Partners hiện sở hữu 3,376 triệu cổ phần Golden Gate.

Các chi phí còn lại đều được tiết giảm so với năm 2020 trước đó, song ông trùm lẩu nướng vẫn ghi nhận lỗ 430 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ khi công bố tài chính. Dù thua lỗ song do những năm trước Golden Gate kinh doanh tốt nên tổng số lãi lũy kế đến hết năm vẫn đạt 785 tỷ đồng.

Hồi cuối năm 2021, một trong những nhà sáng lập Golden Gate là ông Đào Thế Vinh (hiện là Tổng Giám đốc công ty) đã bán khối cổ phần 720 tỷ đồng sau khi chuyển nhượng 371.139 cổ phần (tương đương 4,86% vốn điều lệ công ty) theo hình thức thỏa thuận. Giao dịch được thực hiện nhằm giảm tỉ lệ sở hữu trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 24/12/2021. Với thương vụ trên, ông Vinh chỉ còn nắm giữ 390.458 cổ phần, tương ứng 5,115% vốn điều lệ.

Hồi tháng 3/2022 vừa qua, cơ cấu cổ đông Golden Gate có sự thay đổi lớn, khi các lãnh đạo cùng thoái vốn khỏi Golden Gate trong khi các quỹ ngoại đến từ Singapore lại chi ra khoảng 234 triệu USD để nắm gần 36% cổ phần.

Theo đó, tổ chức Prosperity Food Concepts Pte. Ltd (Singapore) đăng ký bán hơn 2,5 triệu cổ phần để thoái toàn bộ 32,9% vốn tại Golden Gate.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Trần Việt Trung sẽ chuyển nhượng 161.781 cổ phần (tương đương 2,12% vốn điều lệ) Golden Gate. Còn Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Trường đăng ký chuyển nhượng 69.373 cổ phần (tương đương 0,91% vốn điều lệ) Golden Gate.

Ở chiều ngược lại, Seletar Investments Pte Ltd (trực thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings của Chính phủ Singapore) dự kiến mua gần 1,54 triệu cổ phần phổ thông. Quỹ Seatown Private Capital Master Fund muốn mua 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd. muốn mua 436.358 cổ phần Golden Gate. 2 quỹ này cũng đều của Singapore.

Như vậy, tổng số cổ phần chuyển nhượng cho nhóm cổ đông mới vào khoảng 2,74 triệu cổ phần, tương ứng 35,95%. Tất cả giao dịch sẽ được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận từ 15/3-13/4. Hồi đầu tháng 3 vừa rồi, Golden Gate đã công bố thông tin tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của công ty là 100%.

Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1,9 đồng, tương đương vốn hóa Golden Gate được định giá khoảng 14.845 tỷ đồng (650 triệu USD). Tuy giá trị thương vụ không được công bố, nhưng tạm tính theo mức định giá này, 3 nhà đầu tư mới của Singapore đã chi ra khoảng 234 triệu USD (khoảng 5.200 tỷ đồng) để mua lại số cổ phần của Golden Gate.

Báo cáo tài chính của Golden Gate cũng tiết lộ thu nhập của các thành viên HĐQT. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Trần Việt Trung và cũng là Thành viên HĐQT có mức thu nhập chỉ 85 triệu đồng. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Đào Thế Vinh có mức thu nhập là 1,9 tỷ đồng và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Tường có mức thu nhập là 756 triệu đồng.

Tại thời điểm 31/12/2021, Golden Gate có tổng tài sản 2.387 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, khoản mục hàng tồn kho gần 650 tỷ, tăng hơn 50% và chiếm khoảng 27% tổng tài sản.

Về phía nguồn vốn, dư nợ vay ngắn hạn của Golden Gate hơn 529 tỷ đồng và vay dài hạn là 546 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay của Golden Gate chiếm khoảng 45% tổng nguồn vốn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ.

Golden Gate được sáng lập vào năm 2005 với nhà hàng đầu tiên tại Hà Nội là nhà hàng lẩu nấm Ashima bởi ba doanh nhân là ông Đào Thế Vinh, ông Nguyễn Xuân Tường và ông Trần Việt Trung. Tập đoàn hiện sở hữu hơn 30 thương hiệu với khoảng 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như chuỗi Sumo BBQ, GoGi House, Vuvuzela, Kichi Kichi...

2013 là năm đánh dấu tăng trưởng vượt bậc của Golden Gate với hai chuỗi nhà hàng Kichi Kichi và Sumo BBQ hoạt động, doanh thu của Golden Gate đạt gần 510 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ sau khi triển khai thêm 4 thương hiệu mới, doanh thu năm 2014 đã tăng hơn gấp đôi lên 1.262 tỷ đồng. Đến năm 2015, với 19 thương hiệu chuỗi nhà hàng như Vuvuzela, Cowboy Jack's, CityBeer Station, Isushi... Golden Gate đạt doanh thu 1.864 tỷ đồng, tăng hơn 50% cùng kỳ.

Công ty này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt hơn 58%/năm và lợi nhuận tăng bình quân trên 42%/năm, hệ thống nhà hàng này phát triển mạnh với nhiều thương hiệu và cửa hàng được mở mới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng đến sự phát triển của "ông trùm" lẩu nướng này.

Trong năm 2021, Golden Gate kịp mở mới 49 nhà hàng, cho ra mắt các thương hiệu mới như iPho, Itacho Steak, đồng thời đóng và chuyển đổi 37 cửa hàng

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/golden-gate-lo-hon-430-ty-dong-nam-2021-a548827.html

Bạn đang đọc bài viết Golden Gate lỗ hơn 430 tỷ đồng năm 2021 tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thương hiệu