Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Quỹ dự phòng là gì? Phương pháp trích lập quỹ dự phòng

DTVN 09:50 26/09/2019

Gần đây, nhiều doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo tài chính (BCTC) với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thua lỗ xuất phát từ việc trích lập dự phòng.

Quỹ dự phòng là gì?

Theo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, Quỹ dự phòng hay quỹ dự trữ (provision) là số tiền trích ra từ lợi nhuận để đề phòng những khoản chi phí có thể phát sinh trong tương lai. Các loại quỹ dự phòng phổ biến nhất là: quỹ dự phòng cho các khoản nợ khó đòi và quỹ dự phòng cho các tổn thất chưa được xử lý. Mục tiêu của quỹ dự phòng là tránh thổi phồng lợi nhuận bằng cách đảm bảo rằng tất cả các khoản chi phí phát sinh đề được tính đến, mặc dù trong nhiều trường hợp, người ta chưa biết chính xác chúng là bao nhiêu.

Quỹ dự phòng hay quỹ dự trữ (provision) là số tiền trích ra từ lợi nhuận để đề phòng những khoản chi phí có thể phát sinh trong tương lai.

Quỹ dự phòng sẽ được ghi nhận nếu các tiêu chí sau được đáp ứng:

  • Một chủ thể có nghĩa vụ hiện tại là kết quả của một sự kiện trong quá khứ;
  • Có khả năng là có một dòng chảy ra của các nguồn lực thể hiện lợi ích kinh tế bị yêu cầu để giải quyết nghĩa vụ;
  • Số lượng tiền để thực hiện nghĩa vụ có thể được ước tính một cách đáng tin cậy
  • Có một tuyên bố hiện hành cụ thể rằng chủ thể sẽ chấp nhận một số trách nhiệm nhất định và các bên khác có kỳ vọng hợp lệ rằng chủ thể này sẽ thực hiện trách nhiệm của mình.

Phương pháp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Tại thời điểm lập BCTC năm, nếu giá gốc hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thì DN phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Đối tượng lập dự phòng bao gồm nguyên vật liệu, dụng cụ dùng cho sản xuất, vật tư, hàng hóa, thành phẩm tồn kho (gồm cả hàng tồn kho bị hư hỏng, kém mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật...), sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được.

Phương pháp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Phương pháp trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư

Tại thời điểm lập BCTC năm, nếu các loại chứng khoán do DN đang nắm giữ bị giảm giá so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì DN phải trích lập dự phòng:

Phương pháp trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư.

Phương pháp trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp

Tại thời điểm lập BCTC năm, căn cứ tình hình tiêu thụ, bàn giao sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và các cam kết bảo hành tại hợp đồng hoặc các văn bản quy định khác, DN phải trích lập dự phòng, dự kiến mức tổn thất trích bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp đã tiêu thụ trong năm và tiến hành lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp có cam kết bảo hành.

Tổng mức trích lập dự phòng bảo hành của các sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp theo quy định đã cam kết với khách hàng nhưng tối đa không vượt quá 5% tổng doanh thu tiêu thụ đối với các sản phẩm, hàng hoá và không quá 5% trên giá trị hợp đồng đối với các công trình xây dựng. Đối với dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá khi trích lập hạch toán vào chi phí bán hàng. Đối với dự phòng bảo hành công trình xây lắp khi trích lập hạch toán vào chi phí sản xuất chung.

Nên sử dụng quỹ dự phòng tài chính thế nào?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về Quỹ TDND thì việc thay đổi vốn điều lệ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Do đó, khi thay đổi giảm vốn điều lệ, Quỹ TDND phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 80 Luật Các tổ chức tín dụng, Đại hội thành viên là cơ quan quyết định phân phối lợi nhuận và xử lý các khoản lỗ (nếu có) của Quỹ TDND. Quỹ dự phòng tài chính được trích lập từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Quỹ TDND. Do đó, trường hợp Quỹ TDND giảm vốn điều lệ (sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận), Đại hội thành viên Quỹ TDND quyết định phân phối phần vượt của quỹ dự phòng tài chính theo quy định.

Kể từ ngày 25/9/2017, Quỹ TDND thực hiện trích lập quỹ dự phòng tài chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát đầu tư vốn nhà nước vào tổ chức tín dụng, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước.

Theo đó, Nghị định số 93/2017/NĐ-CP không quy định mức trần quỹ dự phòng tài chính và tổ chức tín dụng phải sử dụng quỹ dự phòng tài chính theo đúng quy định của Nghị định số 93/2017/NĐ-CP nêu trên.

Doanh nghiệp nên sử dụng Quỹ dự phòng tài chính một cách hợp lý.

Điều kiện lập dự phòng các khoản thu khó đòi

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, các khoản nợ phải thu khó đòi phải đảm bảo các điều kiện sau thì mới được trích lập quỹ dự phòng:

– Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dụng..) đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể: người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

Nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác.

– Các khoản không đủ căn cứ xác định là nợ phải thu theo quy định này phải xử lý như một khoản tổn thất.

– Khoản nợ phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ bao gồm: hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ, bản đối chiếu công nợ và các chứng từ khác, bản thanh lý hợp đồng cam kết nợ.

Phương pháp và mức trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:

- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.

- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm.

Đối với nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đã chết,…thì doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.

Sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, DN tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không một doanh nghiệp nào mong muốn sẽ phải xử lý các khoản nợ khó đòi này vì ảnh hưởng lớn đến vòng quay vốn, tiến độ sản xuất, tốc độ thanh khoản của công ty. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải quản lý tốt công nợ phải thu khách hàng mỗi tháng, mỗi quý.

Theo Amis.vn

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/quy-du-phong-la-gi-phuong-phap-trich-lap-quy-du-phong-d62123.html

Bạn đang đọc bài viết Quỹ dự phòng là gì? Phương pháp trích lập quỹ dự phòng tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh