Ngày 24/9 tại Indonesia, Grab siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á đã công bố chương trình “Grab Vì Cộng Đồng – Grab for Good” nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho người dân Đông Nam Á, giúp họ, nhiều người trong số đó là lần đầu tiên được tiếp cận với công nghệ, các chương trình nâng cao kỹ năng và các dịch vụ kỹ thuật số. Điều này sẽ tạo điều kiện để họ được tham gia vào nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng trong khu vực và có thêm nhiều lựa chọn, cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Bằng cách tận dụng công nghệ nền tảng và các quan hệ hợp tác, Grab xác định những mục tiêu chính cho chương trình “Grab Vì Cộng Đồng” theo lộ trình đến năm 2025.
Lộ trình được đăng trên báo điện tử VTV News như sau:
- Nâng cao năng lực kỹ thuật số toàn diện và trình độ kỹ thuật số tại Đông Nam Á: Để đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt hoàn cảnh và năng lực, đều có thể được hưởng lợi ích từ sự phát triển của nền kinh tế số, Grab đặt mục tiêu phổ biến kiến thức công nghệ và nâng cao năng lực công nghệ cho 3 triệu người dân Đông Nam Á đến năm 2025, thông qua các chương trình hợp tác với Chính phủ, các công ty tư nhân và tổ chức phi lợi nhuận ở các nước.
- Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: Doanh nghiệp siêu nhỏ là trọng tâm trong mô hình kinh doanh của Grab, trong khi các doanh nghiệp nhỏ được xem như huyết mạch của nền kinh tế Đông Nam Á. Để hỗ trợ những đối tượng này tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất thông qua ứng dụng công nghệ, Grab đặt mục tiêu hỗ trợ thêm 5 triệu doanh nghiệp truyền thống và các cửa hàng nhỏ số hóa quy trình làm việc.
- Xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai: 16% người trẻ Đông Nam Á muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ trong tương lai. Grab hướng đến mục tiêu đào tạo 20.000 sinh viên thông qua những sáng kiến phát triển tài năng công nghệ hợp tác với các tổ chức giáo dục, tổ chức phi lợi nhuận và các công ty công nghệ hàng đầu.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, Grab công bố 2 sáng kiến lớn thuộc chương trình "Grab vì cộng đồng": dự án nâng cao kỹ năng và phổ biến kiến thức công nghệ do Microsoft và Grab hợp tác, và sáng kiến quy mô toàn khu vực "Break the Silence" giúp cộng đồng người khiếm thính và trợ thính tham gia hiệu quả hơn vào nền kinh tế số thông qua hệ sinh thái Grab.
Hợp tác Grab - Microsoft
Đầu tiên là dự án nâng cao kỹ năng và phổ biến kiến thức công nghệ do Microsoft và Grab hợp tác. Đây là điều vô cùng cần thiết vì đến năm 2028, 6,6 triệu người lao động tại 6 nền kinh tế chính của ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ cần được tái đào tạo, và khoảng 41% trong số đó thiếu những kỹ năng công nghệ thông tin mà những công việc mới đòi hỏi.
Dự án sẽ đáp ứng nhiều mức độ khác nhau về kiến thức số, được triển khai theo 3 cách, bao gồm hợp tác với các trường đại học khắp Đông Nam Á để đào tạo sinh viên; tổ chức các lớp chứng chỉ “Xóa mù công nghệ” cho các đối tác tài xế và gia đình của họ; cuối cùng là nâng cao trình độ của đối tác tài xế thêm một bước nữa, mang đến cho họ cơ hội theo đuổi nghề nghiệp liên quan đến công nghệ.
Trong bản báo cáo đầu tiên về đánh giá tác động xã hội, Grab ước tính đã đóng góp 5,8 tỉ USD (gần 135 nghìn tỉ đồng) cho nền kinh tế Đông Nam Á từ tháng 3.2018 đến tháng 3.2019.
Thông tin từ Báo Thanh Niên cho biết, Grab và Microsoft sẽ hợp tác với Đại học Indonesia và Học viện Công nghệ Bandung triển khai các chương trình đào tạo chứng chỉ Microsoft. Trong 6 tháng tiếp theo, dự kiến sẽ có thêm nhiều trường đại học ở Đông Nam Á cùng tham gia.
Trong khi đó, dự án nâng cao trình độ của các đối tác tài xế đã được lên kế hoạch thực hiện thí điểm tại Singapore, với 100 người tham gia dự kiến vào tháng 6.2020.
Tuyển dụng lực lượng lao động khiếm thính
Sáng kiến thứ hai được bao phủ toàn khu vực, có tên là “Break the Silence”, tức Phá vỡ sự im lặng, giúp cộng đồng người khiếm thính và trợ thính tham gia hiệu quả hơn vào nền kinh tế số thông qua hệ sinh thái Grab.
Tại sự kiện, Tổng giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập Grab, ông Anthony Tan nhấn mạnh cốt lõi của chương trình Grab vì cộng đồng là đảm bảo rằng tất cả mọi người, không phân biệt hoàn cảnh hay năng lực, đều có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế số.
Hiện ứng dụng Grab đã được tải xuống trên hơn 163 triệu thiết bị di động trên toàn Đông Nam Á, giúp hành khách tiếp cận với hơn 9 triệu đối tác tài xế, đối tác kinh doanh và đại lý. Grab vận hành đội ngũ phương tiện vận chuyển đường bộ lớn nhất khu vực và đã thực hiện hơn 3 tỉ chuyến xe kể từ khi thành lập vào năm 2012. Grab hiện đang cung cấp các dịch vụ đặt xe công nghệ đa dạng nhất khu vực, bên cạnh dịch vụ giao nhận thức ăn và hàng hóa tại 339 thành phố thuộc 8 quốc gia Đông Nam Á.
Hiện đã có hơn 500 đối tác khiếm thính đang làm việc cho Grab và công ty đang lên kế hoạch tăng gấp đôi con số này vào năm 2020, theo nhà đồng sáng lập Grab Hooi Ling Tan.
Bắt đầu từ ngày 24.9, Grab sẽ mở rộng sáng kiến “Break the Silence” đến Indonesia và Singapore, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi ở Malaysia và Thái Lan.
Khi công bố Báo cáo tác động xã hội năm 2018-2019, bà Hooi Ling Tan cho biết: “Hiện nay, có gần 800 người khuyết tật bao gồm khiếm thính, bại não hay suy giảm khả năng vận động đã tiếp cận được cơ hội kiếm thêm thu nhập thông qua nền tảng Grab”.
Bộ trưởng Công nghiệp Airlangga Hartarto khẳng định chương trình Grab vì cộng đồng là một trong những sáng kiến tích cực ủng hộ nền công nghiệp 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực nâng cao kỹ năng công nghệ để phục vụ cho lợi ích mọi người.