Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Theo một báo cáo gần nhất của ABI Research cho thấy Grab đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Theo đó, nửa đầu năm 2018, nền tảng này hoàn thành hơn 146 triệu cuốc xe, gấp gần 5 lần so với đối thủ thứ hai là be (hơn 31 triệu cuốc).

Cũng theo số liệu này, Go-Viet hoàn thành gần 21 triệu cuốc xe, FastGo gần 2,4 triệu, lần lượt đứng thứ 3 và thứ tư tại thị trường Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe khác chỉ chiếm tổng cộng hơn 200 ngàn cuốc.

Grab chiếm lĩnh thị phần gọi xe tại Việt Nam.

Nhu cầu gọi xe tại Việt Nam tăng nhanh chóng mặt vì năm ngoái, Grab thực hiện được tổng cộng gần 210 triệu cuốc xe. Nếu tính trung bình, tăng trưởng về số cuốc xe của công ty này tại Việt Nam tăng 1,5 lần.

Bên cạnh Việt Nam, Indonesia cũng là thị trường mà Grab chiếm đa số thị phần, tại đây, siêu ứng dụng Grab duy trì thị phần 64% và chỉ tính riêng Indonesia đã đóng góp 40% doanh thu của doanh nghiệp này tại thị trường Đông Nam Á.

Trong khi các ứng dụng gọi xe như Uber đang chịu các khoản lỗ rất đáng báo động thì việc tích hợp nhiều tính năng để trở thành "siêu ứng dụng" như Grab và Go-JEK đang là hướng đi mới.

Theo ABI Research, Grab và Go-Jek (công ty liên kết với Go-Viet tại Việt Nam) đang chiếm thị phần lớn tại châu Á Thái Bình Dương - khu vực chiếm tới 70% cuốc xe hoàn thành trên toàn thế giới. Hai công ty này đang chiếm lần lượt 11,4% và 5% thị phần gọi xe toàn cầu.

Mặc dù thị trường gọi xe tiếp tục tăng trưởng, nhưng năm nay ABI dự báo tổng cuốc xe chỉ đạt dưới 28 tỷ chuyến, so với 22 tỷ chuyến hoàn thành vào năm ngoái. Công ty phân tích thị trường này cho rằng các nền tảng gọi xe trên toàn thế giới đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

“Uber báo cáo khoản lỗ ròng 1,1 tỷ USD vào quý 1 năm 2019 mặc dù doanh thu tăng và lượng người dùng hàng tháng cũng tăng. Tăng trưởng ở mảng gọi xe của Uber chậm, chỉ đạt 9%”, một nhà phân tích cấp cao tại ABI Research viết trong báo cáo của công ty.

Nhà phân tích này cho rằng các khoản lỗ lớn buộc các công ty phải cắt giảm chi phí, đồng thời dấy lên câu hỏi về việc tăng trưởng bền vững của ứng dụng gọi xe nói chung.

Tăng thị phần và giảm chi phí không đủ để tăng trưởng bền vững, do đó các công ty đang buộc phải mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác ngoài gọi xe.

Đó là lý do các công ty như Grab đang phát triển “siêu ứng dụng”. Tại Việt Nam, Grab đã có mảng gọi xe, giao hàng, nay phát triển mạnh mảng giao đồ ăn, thanh toán (kết hợp với Moca), mảng tài chính,... Các công ty khác như Go-Viet, be cũng phát triển theo hướng tương tự.

Tại Mỹ, mảng giao đồ ăn Uber Eats tăng trưởng thần tốc, với tỷ lệ lên tới 89% doanh thu chỉ trong quý 1/2019.

Theo Nguyễn My/TBCK

Bạn đang đọc bài viết Grab chiếm lĩnh thị phần gọi xe tại Việt Nam tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]