Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Quảng Ninh “vẽ đường” cho CEO Group làm việc đó tại Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City là không đúng pháp luật.
Nghị quyết một đằng, thực hiện một nẻo
Khoảng một năm nay, người dân sinh sống trong khu vực xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh khốn khổ vì ô nhiễm môi trường và nguy cơ về tai nạn giao thông do quá trình thi công dự án lấn biển Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Theo những người dân nơi đây cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, tình trạng nhiều xe quá khổ quá tải vận chuyển hàng triệu khối đất đỏ từ nơi khác về để lấp biển, bồi đắp biển, đã gây nên những hệ lụy khôn lường. Dự án này do Công ty CP đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn (thuộc CEO Group) triển khai từ đầu năm 2019 đến nay.
Phản ánh tới PV, bà L (54 tuổi, người dân xã Hạ Long) cho biết, từ khi triển khai dự án này, người dân sinh sống trong khu vực gần như mất ăn mất ngủ bởi nhiều đoàn xe tải hạng nặng chạy xuyên đêm, chở đất đá về đổ trong công trình đang san lấp biển với quy mô hàng trăm héc-ta. Không chỉ ảnh hưởng tới môi trường khu vực, mà việc hút cát lấn biển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả môi trường biển.
Hiện trạng mặt bằng cho thấy, chủ đầu tư đang triển khai các hạng mục xây dựng khách sạn, san lấp biển với quy mô lớn thuộc Dự án đầu tư Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1. Việc san lấp biển với quy mô lớn khiến dư luận ngạc nhiên vì từ năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết, chủ trương hạn chế các dự án san đồi, lấp biển.
Phối cảnh Dự án lấn biển Sonasea Vân Đồn Harbor City. |
Theo Nghị quyết 64 /NQ-HĐND ngày 11/7/2012 do Chủ tịch Nguyễn Đức Long kí thì “chủ trương hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển, không san đồi lấp biển. Đối với các dự án đã và đang thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch tổng thể, thiết kế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của luật pháp”.
Tuy nhiên, trái ngược với Nghị quyết trên, từ 2012 đến nay, hàng loạt dự án từ quy mô vài hecta đến hàng trăm hecta như Sonasea Vân Đồn Harbor City vẫn liên tiếp được cấp phép để san đồi, lấp biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Dự án lấn biển Sonasea Vân Đồn Harbor City đang được triển khai. |
Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “Bất kể dự án nào, nằm ở vị trí nào mà thực hiện khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định là hoàn toàn sai. Những dự án nằm ở những vị trí dễ gây bức xúc trong cư dân thì càng cần phải được giám sát, tuân thủ và chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước phải thực thi đúng pháp luật, đúng như những gì Nghị quyết đã đưa ra.
Việc này không chỉ bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp mà đây còn là cách bảo vệ cho doanh nghiệp khỏi bị rơi vào những tình huống “tiền mất tật mang”, nhà đầu tư không phải giải quyết hậu quả sau này”.
Phối cảnh Dự án lấn biển Sonasea Vân Đồn Harbor City. |
Các chuyên gia nói gì về việc chia nhỏ dự án để lập ĐTM?
Liên quan đến dự án này, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã ký Quyết định số 1138/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (tên cũ là Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Dragon Bay) tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Các nội dung trong Quyết định số 1138/QĐ-UBND cho thấy, Khu tổ hợp này có diện tích là 358,35ha, nằm tại xã Hạ Long, phía Tây giáp Dự án sân golf Ao Tiên, phía Đông Nam giáp bãi biển, phía Tây Bắc giáp đỉnh núi Cái Bầu, phía Đông Bắc giáp phân khu 8 của Dự án Con đường di sản. Đối với việc triển khai Dự án đầu tư Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1, ngày 18/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3691/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án này với quy mô là 67ha.
Người dân ở xã Hạ Long bức xúc vì xe ô tô chở đất cho dự án CEO gây tai nạn, chạy ẩu, quá tải. |
Với quy mô dự án lên đến hàng trăm hecta, cùng với việc đổ hàng triệu khối đất đỏ ra lấp biển, cũng như hút cát trắng để bồi đắp bãi tắm nhân tạo, dư luận tỏ không đồng tình với việc UBND tỉnh Quảng Ninh khi ra Quyết định phê duyệt ĐTM cho dự án này. Bởi căn cứ theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường, thì dự án có lấn biển từ 20ha trở lên hoặc tổng dự án từ 200ha trở lên thì trách nhiệm, thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM phải là của Bộ TN&MT.
Việc CEO group "xé nhỏ" dự án và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ĐTM cho dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City liệu có đúng thẩm quyền?
Người dân xã Hạ Long nhiều lần phản ứng về hoạt động của xe tải khi chở vật liệu thực hiện dự án. |
TS Phạm Khang, Tổng thư ký Hội Đánh giá tác động Môi trường Việt Nam khẳng định: “Không được chia nhỏ dự án và cấp riêng ĐTM cho từng dự án được, mà phải thẩm định và cấp ĐTM cho cả dự án. Một bộ hồ sơ dự án bao giờ cũng có báo cáo nghiên cứu khả thi, có thiết kế cơ sở. Bây giờ các hạng mục trong dự án mà bị chia nhỏ ra thì sai pháp luật và không đúng với yêu cầu của đánh giá tác động môi trường.
Hai nữa là Nghị định chính phủ đã phân cấp, đối với dự án quy mô như thế nào thì cấp trung ương thẩm định, quy mô nhỏ hơn thì cấp địa phương thẩm định, nếu chia nhỏ ra thì làm sao đúng với phân cấp của nhà nước(?). Chỉ có thể cấp ĐTM riêng cho dự án nhỏ khi dự án đó có hồ sơ nghiên cứu khả thi có thiết cơ sở, có quyết định đầu tư dự án cụ thể và dự án đó được triển khai với mục đích cụ thể”.
Việc CEO group "xé nhỏ" dự án và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ĐTM cho dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City liệu có đúng thẩm quyền? |
Đối với vấn đề khai thác khoáng sản (cát trắng trong dự án), GS.TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Liên quan đến vấn đề biển và sông thì Bộ TN&MT phải thẩm định và cấp ĐTM, còn việc khai thác cát trắng cũng bắt buộc phải làm thủ tục khai thác khoáng sản.
Kể cả việc khai thác khoáng sản trong phạm vi một dự án cũng phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Việc phân cấp và quản lý này cũng giống như một dự án thủy điện do Bộ Công thương phê duyệt công suất, Bộ TN&MT thẩm định và cấp ĐTM, còn khai thác nước thì Cục Quản lý khai thác nước (thuộc Bộ TNMT) cấp phép”.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường (Bộ TN&MT) cũng khẳng định: “Không được phân chia dự án nhỏ lẻ dự án để cấp ĐTM, vì ĐTM là cấp cho 1 dự án. Còn vấn đề hút cát trắng thì thuộc Tổng cục địa chất khoáng sản quản lý và cấp phép”.
Theo Báo Người Hà Nội