Người dân khó khởi kiện
Phát biểu tại toạ đàm "Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà" vừa diễn ra, LS Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự) đã chỉ ra những khoảng trống pháp luật về dịch vụ công, quyền lợi của người dân sau vụ khủng hoảng nước sạch Sông Đà.
Đánh giá về khả năng khởi kiện công ty cung cấp nước là Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco), luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết việc này là rất khó khăn bởi vì "không có đường để đi"".
"Cơ chế bảo vệ quyền người tiêu dùng vẫn còn thiếu. Nếu thực hiện kiện thì tòa án vẫn nhận nhưng xử lý được hay không lại là câu chuyện khác", ông Lập nói.
Theo vị luật sư, khung pháp luật có luật dân sự bảo vệ quyền lợi người dân nhưng nếu xem hợp đồng mua nước cũng rất khó kiện. Khuôn khổ pháp lý thứ 2 có thể áp dụng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Luật này không cần hợp đồng miễn là tiêu dùng sản phẩm gây hại thì người tiêu dùng có quyền kiện người cung cấp mà không cần xuất trình hợp đồng.
Thứ ba là Luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân quy trách nhiệm cho nhà nước có từ năm 1989. Tuy nhiên, theo ông Lập, luật này giống hiến pháp về sức khoẻ nhân dân trong đó tất cả ngành cấp cơ quan có trách nhiệm chăm lo sức khoẻ nhân dân nhưng nếu xét từ góc độ luật sư thì.... cũng không làm gì được cả.
Vị chuyên gia này cho biết, muốn khởi kiện Viwasupco phải làm rõ 4 vấn đề lớn: Chứng minh có vi phạm hợp đồng (vi phạm hợp đồng như nào, nước có mùi khét có vi phạm không); Chứng minh có thiệt hại (Chứng minh nước của Viwasupco không thể dùng được, vì sao tôi phải đi mua nước, chứng minh thiệt hại về sức khỏe); Chứng minh yếu tố có lỗi; và Quan hệ nhân quả (Chứng minh vi phạm của công ty cung cấp nước có gây thiệt hại).
“Thử mở hợp đồng cung cấp nước nhà mình ra xem có điều khoản nào để khởi kiện được không, dù là luật sư, tôi cũng thấy khó kiện. Còn nếu khởi kiện Viwasupco theo luật bảo vệ người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn vì việc khiếu kiện tập thể, chưa chắc đã tìm được người đứng ra nhận ủy quyền để theo đuổi vụ kiện (có thể sẽ kéo dài nhiều năm)", ông Lập phân tích.
LS Nguyễn Tiến Lập cho rằng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiện nay còn yếu. Ảnh: CafeF |
Theo ông Lập: "Về pháp lý, giới luật sư đang muốn làm mà không biết tiếp cận bằng cách nào, chỉ e rằng xử lý hình sự mấy cậu chở dầu đi đổ là coi như xong. Cũng rất khó chứng minh yếu tố lỗi, chúng ta để ý tại sao Phó giám đốc của Sông Đà từ chối nhận lỗi. Đó là có tư vấn pháp lý, không muốn tạo bằng chứng pháp lý, tạo yếu tố để khởi kiện".
“Tuy nhiên, việc theo đuổi vụ kiện có thể tạo sức ép lên Viwasupco hoặc những doanh nghiệp cung cấp nước khác trong việc cải thiện chất lượng nước”, ông Lập cho biết.
Cần có ngay đạo luật về cung cấp dịch vụ công
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sự kiện nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng nhưng chủ thể là Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phản ứng quá chậm.
“Sau một thời gian dài mới lên tiếng, người nào uống thì uống no rồi, ảnh hưởng thì ảnh hưởng rồi mới ra thông báo ngừng sử dụng. Như vậy có thể thấy, phản ứng với sức khoẻ, sinh mệnh người dân là rất chậm.
Tôi nói có chuyện giấu diếm về chất lượng của nước, thiếu tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong cung cấp dịch vụ công không? Có hàng loạt câu hỏi có thể đặt ra", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng phân tích, thị trường nước cho tư nhân cung cấp là thị trường béo bở, bởi nếu như cafe có thể nay uống mai không, đi du lịch có thể năm nay đi năm sau không nhưng nhu cầu nước hay điện thì gần như không thay đổi. Do đó, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp hoàn toàn có thể xảy ra.
“Chúng ta thấy chuyện đổ dầu thải vào nguồn lấy nước làm nước sạch Sông Đà là hành vi cố ý hay không? Có động lực để đổ vào gây hại cho hệ thống không? Có chuyện cạnh tranh giữa các công ty nước sạch giữa thị trường béo bở này không?
Làm kinh tế thị trường, kinh doanh có nguồn cầu ổn định, nguồn cầu lớn thì đó là cơ hội vàng, miếng bánh là vô cùng. Có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây để chiếm thị phần hay không? Quả thực đó là vấn đề đặt ra nhiều dị nghị. Không có chứng cứ, chả ai có thể khẳng định nhưng dị nghị thì quả thực có đấy", ông Dũng đặt vấn đề.
"Hàng hoá công thì Nhà nước không bao giờ được mặc kệ, phải vào quản lý chất lượng, quản lý để đạt sự công bằng. Thị trường, doanh nghiệp người ta chỉ hướng tới lợi nhuận thôi. Chức năng quan trọng của nhà nước là cung cấp sự công bằng, chỉ Nhà nước mới có năng lực làm việc đó. Không thể cung cấp nước sạch mà dân Hà Nội người có nước sạch người không", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, quá trình cung cấp dịch vụ công hiện nay đang đi theo hướng thị trường hóa và đối tượng thứ 2 sau nhà nước cũng có thể cung cấp dịch vụ công đó chính là tư nhân. Tư nhân cung cấp dịch vụ nhanh và hiệu quả bởi có lợi thế riêng, tuy nhiên, tư nhân thường chạy theo lợi nhuận nên có thể bỏ qua những lợi ích khác để đạt được mục đích này.
Chính vì thế, nếu nhà nước giao cho tư nhân cung cấp dịch vụ công vẫn cần sự quản lý sát sao cũng như áp dụng chuẩn mực về quy chế dịch vụ công đi kèm với kiểm tra chất lượng. Có như vậy mới nên thúc đẩy phát triển dịch vụ này. Bởi dịch vụ công về mặt pháp lý phải đảm bảo nguyên tắc liên tục của dịch vụ.
“Đã là quy chế thì dịch vụ công không có quyền cắt nước dài ngày hay không có quyền lúc đóng lúc mở. Dịch vụ y tế không có chuyện người có tiền mới được vào. Dịch vụ công phải đảm bảo nguyên tắc quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người với giá cả phù hợp, không thể có giá cả trên trời mà người dân không tiếp cận được”, ông Dũng chỉ rõ tất cả các dịch công đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội . Ảnh: Nông nghiệp |
Đơn cử như dịch vụ cung cấp nước sạch hiện nay, ông Dũng đặt vấn đề tại sao lại có nhiều doanh nghiệp cùng nhảy vào thị trường này để cạnh tranh khốc liệt? Bởi lẽ đó là thương quyền đã được trao cho tư nhân và tư nhân được quyền kinh doanh, bán nước sạch cho hàng triệu người vì nhu cầu đó không bao giờ hết. Không có xăng dầu người ta vẫn có thể sống được nhưng không có nước người ta sẽ chết ngay.
Với thực trạng cung cấp dịch vụ công hiện nay, theo ông Dũng nhà nước cần nhanh chóng lấp khoảng trống về mặt pháp lý, chính xác là phải có đạo Luật về dịch vụ công vì dịch vụ này có nguyên tắc. Bởi hiện đã có những quy định về vấn đề này nhưng vẫn còn rải rác ở nơi này nơi kia, nên hình thành cơ quan quyền lực công và cơ quan này có thẩm quyền áp đặt các chuẩn mực về dịch vụ công.
“Đối với các nhà máy nước hiện nay đều đã tư nhân hóa vậy nhà nước có nên lấy lại hay không? Ở nước ngoài vẫn có trường hợp tư nhân hóa khi thực hiện không tốt việc cung cấp dịch vụ nên nhà nước đã lấy lại. Còn ở Việt Nam sẽ làm như thế nào? Ông Dũng cho rằng, trong bất cứ hợp đồng nào nhà nước cho phép tư nhân cung cấp các dịch vụ công đều nhất thiết phải có quy định rõ ràng.
Những bộ Luật chung chung về dịch vụ công như hiện nay sẽ rất thiếu căn cứ, chế tài để xử lý vi phạm, do đó điều căn bản và khẩn cấp nhất hiện nay chính là cần có đạo luật riêng về xã hội hóa cung cấp dịch vụ công”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nêu rõ.