Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Đề xuất tăng phí BOT: Chọn “cứu” doanh nghiệp vận tải hay nhà đầu tư BOT?

DTVN 10:20 14/05/2020

Câu hỏi được đặt ra ở đây là Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu một phương án tối ưu, phù hợp và phải xem xét đối tượng nào cần được hỗ trợ nhất trong thời điểm này?

Vừa bác đề xuất của các Hiệp hội và các DN vận tải về việc giảm phí BOT để giảm chi phí vận tải, thì mới đây, Bộ Giao thông vận tải lại kiến nghị Thủ tướng tăng giá phí BOT đường bộ hoặc xem xét hỗ trợ cho các dự án BOT thua lỗ. Câu hỏi đặt ra ở đây là đối tượng nào cần hỗ trợ nhất trong thời điểm này?

Đến hết ngày 22/4 có tới 58 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo. Ảnh: ST

Vì sao kiến nghị tăng phí

Theo Bộ Giao thông vận tải, trước khi bùng phát dịch Covid-19, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo, kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Tuy nhiên, khi các khó khăn, vướng mắc nói trên chưa được giải quyết thì từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 cũng khiến các dự án BOT bị ảnh hưởng do lưu lượng xe giảm sâu dẫn đến doanh thu giảm, khiến doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Qua tổng hợp số liệu thống kê các DN BOT đến hết ngày 22/4 có tới 58 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.

Dựa trên các kiến nghị của DN BOT, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ 2 phương án điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ của các dự án BOT. Theo đó, phương án 1 là cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ Giao thông vận tải lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí (khi cần thiết).

Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022, với phương án này Nhà nước sẽ cần bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bố trí kế hoạch vốn. Bộ Giao thông vận tải đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.

Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm các phương án, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT giao thông, đồng thời giảm lãi vay phát sinh trong thời gian từ 1/2/2020 đến khi Việt Nam công bố hết dịch Covid-19, cộng thêm 3 tháng. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể trưng mua lại toàn bộ dự án. Chấp thuận cho các DN BOT giãn thời hạn nộp thuế GTGT và thuế Thu nhập DN các năm 2019, 2020.

Đối tượng nào cần được hỗ trợ hơn?

Trước khi có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tăng giá phí BOT đường bộ hoặc xem xét hỗ trợ cho các dự án BOT thua lỗ thì trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã bác đề xuất giảm phí BOT từ 3%-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để giảm chi phí vận tải của Hiệp hội Taxi TP HCM và Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về đề xuất mới này của Bộ Giao thông vận tải, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho rằng đây là đề xuất không đúng thời điểm, không đúng giai đoạn, bởi trong lúc các DN vận tải đang chật vật để tồn tại được và trước đó đã có kiến nghị được giảm phí BOT để giảm bớt chi phí đầu vào cho DN vận tải và đã bị bác bỏ thì Bộ Giao thông vận tải lại đưa ra một kiến nghị tăng phí BOT.

“Câu hỏi được đặt ra ở đây là Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu một phương án tối ưu, phù hợp và phải xem xét đối tượng nào cần được hỗ trợ nhất trong thời điểm này? DN vận tải hay các nhà đầu tư BOT. Bởi theo tính toán của chúng tôi tuy việc thực hiện giãn cách xã hội đã được hủy bỏ và các tuyến xe đã được hoạt động trở lại bình thường nhưng để các DN vận tải khôi phục lại được hoạt động sản xuất của mình không thể trong ngày 1 ngày 2. Dự kiến phải đến cuối quý II, hoạt động vận tải mới có thể bắt đầu được khôi phục và còn lâu mới có thể được bằng như trước khi dịch xảy ra”, ông Liên cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, trước đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các DN vận tải chia sẻ khó khăn với các DN BOT. Vậy bây giờ chúng tôi cũng đề nghị các nhà đầu tư cùng chia sẻ khó khăn với các DN vận tải, tạo điều kiện giảm phí BOT, giảm áp lực cho DN vận tải để vượt qua khó khăn vì dịch Covid-19.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, đại diện cho hàng nghìn DN vận tải ô tô Việt Nam, nếu Bộ Giao thông vận tải đề nghị tăng phí BOT để “cứu” các DN đầu tư, vậy việc giảm phí BOT cũng cần được triển khai để giảm gánh nặng cho DN vận tải. Đây là bài toán sống còn của các DN vận tải hiện nay, khi giá vé BOT hiện đang chiếm phần lớn trong cơ cấu giá thành vận tải.

Theo Hải Quan

Link gốc : https://haiquanonline.com.vn/de-xuat-tang-phi-bot-chon-cuu-doanh-nghiep-van-tai-hay-nha-dau-tu-bot-126561.html

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tăng phí BOT: Chọn “cứu” doanh nghiệp vận tải hay nhà đầu tư BOT? tại chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu