Cùng chia sẻ nếu có rủi ro về doanh thu
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 dự thảo luật, đối với một số dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, sau khi điều chỉnh thời gian hợp đồng, giá dịch vụ, nhưng vẫn chưa bảo đảm mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro.
Cụ thể như sau: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Quy định trên xuất phát từ kiến nghị của các nhà đầu tư và từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…, về bản chất, quy định tại Khoản 2 Điều 74 dự thảo luật tương tự như cơ chế “Bảo lãnh doanh thu tối thiểu” đã được áp dụng tại Hàn Quốc, Mêhico.
Bảo lãnh doanh thu tối thiểu
Việc áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu được áp dụng ở một số quốc gia (Hàn Quốc, Mêhico...) đã đem lại những kết quả nhất định trong thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư dự án hạ tầng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu chuyển nhiều rủi ro thương mại cho phía Nhà nước như trường hợp của Hàn Quốc.
Năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc ban hành luật về sự tham gia của khu vực tư nhân trong hạ tầng, trong đó quy định Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các dự án PPP để nhà đầu tư được đảm bảo một mức doanh thu tối thiểu. Năm 1999, Hàn Quốc áp dụng hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án do Nhà nước đề xuất (bảo lãnh 90% doanh thu) và dự án do nhà đầu đề xuất (80% doanh thu); Chính phủ Hàn Quốc áp dụng cơ chế bảo lãnh cho toàn bộ thời gian vận hành dự án.
Đến năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc giảm thời gian bảo lãnh cho các dự án BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) xuống còn 15 năm, mức bảo lãnh giảm dần theo nguyên tắc: bảo lãnh 90% doanh thu trong 5 năm đầu, 80% doanh thu trong 5 năm tiếp theo, 70% trong 5 năm tiếp theo nữa.
Năm 2006, Chính phủ Hàn Quốc chỉ chấp thuận bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án do Nhà nước đề xuất; thời gian áp dụng bảo lãnh là 10 năm; mức bảo lãnh trong 5 năm đầu là 75%, 5 năm tiếp theo là 65%; đồng thời bổ sung quy định: các dự án PPP có doanh thu thấp hơn 50% so với doanh thu dự kiến ghi trong hợp đồng sẽ không nhận được chia sẻ doanh thu từ chính phủ.
Nguồn vốn để thanh toán cho khoản phát sinh từ cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu được phân bổ từ khoản tiền 2% tổng chi ngân sách nhà nước để thực hiện các cam kết của chính phủ cho các dự án PPP. Áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu đã giúp Hàn Quốc thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vào các dự án BTO.
Tính đến tháng 9/2009, Chính phủ Hàn Quốc đã thu hút được 66,1 tỷ won đầu tư vào 203 dự án BTO. Tuy nhiên, cuối năm 2008, tổng số tiền mà Chính phủ Hàn Quốc phải chi trả theo cam kết bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các doanh nghiệp BTO là 1,390 tỷ won. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là mức dự báo lưu lượng giao thông quá cao so với con số thực tế; phần lớn các dự án có mức doanh thu nhỏ hơn 50% so với dự báo ban đầu (không có nguyên nhân do quản lý doanh thu không minh bạch).
Với mức chi trả trên, người dân cho rằng Chính phủ đã nhận quá nhiều rủi ro của các dự án; song chấp thuận mức lợi nhuận cao cho phía tư nhân. Đồng thời, cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu không tạo động lực để nhà đầu tư có các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như tăng doanh thu. Chính vì vậy, từ năm 2009 Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức dừng áp dụng hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án BTO.
Theo Thời báo tài chính