Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bàn giải pháp tăng cường hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Australia

DTVN 06:46 07/10/2019

Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Thương mại Australia tiến hành cuộc họp Nhóm công tác về Thương mại trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ nhất Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam –Australia

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công Thương, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã chủ trì cuộc họp, điểm lại những kết quả đáng ghi nhận trong quan hệ thương mại hai nước thời gian qua.

Bà Lê Hoàng Oanh đề nghị phía Australia có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực hơn nữa trong việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam để đạt cán cân thương mại cân bằng và bền vững hơn. Việt Nam đưa ra các đề nghị và đề xuất rất cụ thể nhằm tạo thuận lợi hóa cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia, như mở cửa thị trường cho sản phẩm trái cây (chanh leo, dừa tươi và sầu riêng), tôm tươi nguyên con; hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng tốt các yêu cầu nhập khẩu Australia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị Australia hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trong xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh…; hỗ trợ kỹ thuật đối với việc thực thi các Hiệp định thương mại mà hai nước cùng là thành viên, trong đó có Quy tắc xuất xứ và nội dung ưu đãi thuế quan.

Đồng chủ trì cuộc họp, bà Julie Heckscher, Trợ lý thứ nhất Tổng thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, không chỉ trong chính trị, kinh tế mà còn trên mọi lĩnh vực hợp tác. Điều đó biểu hiện rõ ràng nhất khi Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đến thăm và làm việc sau khi tái đắc cử. Phía Australia cũng cho rằng, Việt Nam là nước đang phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Do đó, tiềm năng hợp tác trao đổi hàng hóa và dịch vụ song phương ngày càng mở rộng.

Bà Julie Heckscher cho biết, Australia đang đặc biệt quan tâm đến các hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo về công nghệ; các dịch vụ cho khối doanh nghiệp tư nhân như tư pháp và tài chính, thanh toán quốc tế, du lịch. Ngoài ra, khai khoáng và các dịch vụ khai khoáng cũng rất được nước bạn quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Australia trong lĩnh vực phát triển đào tạo cấu phần Tiếng Anh nhằm nâng cao trình độ Tiếng Anh cho sinh viên và công chức Việt Nam, ưu tiên đào tạo các chương trình tiến sĩ, trao đổi giảng viên của Việt Nam sang giảng dạy tại các trường đại học của Australia, các hợp tác trong nghiên cứu khoa học, phát triển các trương trình đào tạo trực tuyến kết hợp trực tiếp. Bên cạnh đó, về lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam mong muốn hai nước tiếp tục duy trì các chương trình đào tạo nhân lực ngành hàng không. Đối với các vấn đề đa phương, hai bên trao đổi cởi mở về tình hình hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và thế giới như CPTPP, RCEP, AANZFTA, APEC, WTO.

Trong đó, cả hai nước đang cùng các nước thành viên thực hiện nghiêm túc các cam kết trong CPTPP; cùng nhau đưa ra các biện pháp tích cực giải quyết các vấn đề chung như liên quan đến Quy tắc xuất xứ và ưu đãi thuế quan trong CPTPP và AANZFTA; quyết tâm phấn đấu sớm kết thúc đàm phán RCEP trong năm 2019; ủng hộ các sáng kiến hoàn thành mục tiêu Bogo và sáng kiến của Chile về Tuyên bố kỷ niệm 30 năm thành lập APEC; chia sẻ quan điểm về cải cách trong WTO và quan điểm giải quyết các căng thẳng dựa trên các quy định của WTO.

Việt Nam khẳng định, là một nền kinh tế có độ mở và tính hội nhập cao, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn là tích cực từ các cuộc xung đột thương mại của các nền kinh tế lớn. Việt Nam dành nhiều nỗ lực và tích cực hợp tác với các nước để đảm bảo không có các hành vi lẩn tránh thuế và gian lận nguồn gốc xuất xứ. Việt Nam mong muốn với mối quan hệ Đối tác kinh tế, Australia và Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ xây dựng và phát triển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cho các nhóm sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như nông sản, may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ để khai thác tối đa các ưu đãi trong các Hiệp định mà hai nước là thành viên, đặc biệt là CPTPP. Hai bên cũng đã trao đổi cụ thể việc triển khai những thỏa thuận đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Scott Morrison tháng 8 vừa qua.

Bên cạnh những cam kết tiếp tục hỗ trợ từ Australia với các dự án đang triển khai, Việt Nam cũng mong muốn có sự hỗ trợ mang tính thiết thực hơn nữa từ phía Australia để đưa hàng hóa Việt Nam tới người tiêu dùng Australia như Tuần hàng Việt Nam tại Australia, chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của phía Australia tại các địa phương có nhiều hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này; hỗ trợ đào tạo trong xây dựng và phát triển thương hiệu, chuỗi cung ứng… Cuộc họp Nhóm công tác đã diễn ra trong không khí cởi mở, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau và đã đạt những kết quả tích cực.

Hai Bên thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai nhiệm vụ (của Nhóm công tác) tham gia xây dựng Chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường Việt Nam – Australia và tiếp tục báo cáo các nội dung hợp tác trong lĩnh vực thương mại mà hai Bên đã thống nhất ở cấp kỹ thuật lên Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam – Australia lần thứ nhất vào tháng 11 tới tại Australia.

Trao đổi thương mại Việt Nam – Australia đang phát triển khá ổn định từ năm 2015 đến nay. Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Australia tăng trung bình 8,8%/năm giai đoạn 2010 – 2018. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, Australia là đối tác xuất khẩu lớn thứ 13 và là nhà nhập khẩu lớn thứ 12 của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Australia đạt 7,7 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XNK giữa hai nước đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng 5,8%.

Theo Báo Công thương

Bạn đang đọc bài viết Bàn giải pháp tăng cường hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Australia tại chuyên mục Hợp tác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hợp tác