“Định hướng chuẩn hóa”, “tập trung vào dòng máy bay thân rộng Boeing B787-9 Dreamliner và dòng máy bay thân hẹp Airbus A321” là những nội dung liên tục được Bamboo Airways nhấn mạnh liên quan tới kế hoạch phát triển đội bay. Tháng 8 vừa qua, quy mô của đội bay hãng này vừa được Chính phủ phê duyệt cho phép tăng lên số lượng 30.
Bamboo Airways cho biết, trước khi nhận máy bay thâN rộng từ Boeing bàn giao vào quý 4/2020, hãng sẽ thuê và đưa vào khai thác Boeing 787-9 Dreamliner ngay trong quý 4/2019 để phục vụ hoạt động.
Việc một hãng hàng không tư nhân đưa vào khai thác một trong những dòng máy bay thân rộng tân tiến nhất thế giới ngay trong năm đầu hoạt động được xem là tốc độ mở rộng khá nhanh, thậm chí được gắn mác “tham vọng” bởi một số ý kiến.
Trên thực tế, sau khi nhận chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên vào cuối năm nay như đề ra, Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác dòng máy bay thân rộng.
Vậy hãng hàng không đang thu hút sự chú ý nhiều nhất trên thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đã và đang chuẩn bị những gì cho cuộc chơi lớn này?
Tại sao lại là Boeing 787-9?
Trong 8 tháng bay thương mại, dòng máy bay nổi bật trong đội hình của Bamboo Airways là mẫu thân hẹp đời mới A321 NEO của Airbus, tập trung khai thác ở đường bay chặng ngắn nội địa và khu vực.
Tuy nhiên về dài hạn, Boeing 787-9 mới giữ vai trò chủ lực trong hoạt động khai thác của Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết.
“Dòng máy bay này đáp ứng lý tưởng các yêu cầu về dịch vụ định hướng 5 sao mà Bamboo Airways đề ra, đồng thời phù hợp hơn cho các chặng bay đường dài mà chúng tôi đang xây dựng, bao gồm cả các đường bay vượt châu lục”, ông nói.
Boeing 787-9 hiện là dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu bậc nhất hiện nay, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng để làm giảm tối đa trọng lượng của tàu bay cũng như giảm tần suất bảo dưỡng. So với các máy bay cùng chủng loại, Boeing 787-9 tiêu hao ít hơn 20% về chi phí nhiên liệu và ít hơn từ 30-40% chi phí bảo dưỡng.
Cabin của máy bay Boeing 787-9 được thiết kế tạo sự tiện nghi tối đa cho hành khách với không gian rộng rãi hơn, hệ thống chiếu sáng sử dụng công nghệ đèn LED, độ ẩm và áp suất trong cabin được giữ tương đương với áp suất ở độ cao 1,8km, giúp giảm bớt mệt mỏi cho các hành khách trên các chuyến bay dài. Ghế ngồi hành khách được thiết kế rộng rãi với độ ngả thoải mái hơn. Ghế hạng thương gia có chế độ giường nằm ngả 180 độ.
Đây là những yếu tố cấu thành nên danh xưng “khách sạn 5 sao di động” của Boeing 787.
Đội ngũ phi công
Bên cạnh việc mang lại cơ hội mới để tăng sự hiện diện trên bầu trời, vốn đang dần trở nên chật chội trước những hãng bay hiện có và các đơn vị đang trong giai đoạn trứng nước, Boeing 787-9 cũng đặt ra bài toán khá phức tạp về khả năng nhân lực và kỹ thuật cho bất cứ hãng hàng không nào.
Vấn đề đầu tiên, và cũng từng là chủ đề nóng thổi lên các luồng tranh luận trên nhiều diễn đàn, là đội ngũ phi công.
Để đào tạo phi công lái chính các dòng máy bay thân hẹp như Airbus A321 NEO, cần ít nhất 3 - 4 năm, và con số này tăng tới lên gấp đôi, kéo dài 8 - 10 năm đối với phi công lái máy bay thân rộng như Boeing 787-9. Phi công máy bay A321 lên lái chính được Boeing 787 phải tích lũy 3.000-5.000 giờ bay. Đây là lý do những nhân sự này luôn được xem là tài sản quý của các hãng hàng không, cả tại Việt Nam và trong khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways - từng cho hay, hãng hiện có khoảng 300 phi công, tức vẫn đang "dư" gần 200 phi công với số máy bay hiện có, nên đã sẵn sàng chờ đón các máy bay sắp được bổ sung.
Thông tin sâu hơn, bà Hồ Thị Thu Trang - Giám đốc Nhân sự Bamboo Airways cho biết, các công tác chuẩn bị liên quan đến đội ngũ phi công lái máy bay thân rộng đã được hoàn thiện. Toàn bộ nhóm gần 50 phi công này đều đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về mặt tuyển chọn như: kinh nghiệm số giờ bay tích lũy ít nhất 1.500 tiếng đối với máy bay thân rộng của Boeing, và 500 giờ bay đối với mẫu Boeing 787.
Trả lời về nguồn phi công, bà Trang cho biết phần lớn đến từ nước ngoài, là kết quả của sự hợp tác giữa Bamboo Airways với trên 10 đơn vị đối tác cung ứng nguồn nhân lực quốc tế uy tín như: Brookfield, Flight Crew International, Rishworth, Paramount, Jetwork, Wings, Apas,...
Song song với tuyển dụng, Bamboo Airways cũng đang chuẩn bị phương án tự chủ về nguồn phi công thông qua việc xây dựng chương trình tuyển dụng phi công tập sự cho Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways và Học viện hàng không Bamboo Airways, dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 10/2019.
Trong đó, Bamboo Airways đã được cấp Chứng nhận Tổ chức huấn luyện hàng không (ATO) từ Cục Hàng không Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn lực nhân sự chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cục Hàng Không Việt Nam và Thế giới.
Lực đẩy lớn
Về mặt kỹ thuật và hạ tầng, Bamboo Airways cho biết các công tác liên quan đến đầu tư mua sắm thiết bị, khí tài phần cứng và phần mềm đã được hoàn thiện.
Đội ngũ nhân lực với các chứng chỉ bắt buộc như đào tạo cơ bản bảo dưỡng máy bay chuyên ngành cơ giới và bộ môn (điện, điện tử); chứng chỉ ủy quyền liên quan như CRS level A, CRS level B1/B2, Engine Run-Up của Boeing 787-9… cả về số lượng và xếp loại đều đã đầy đủ. Liên quan đến công tác xây dựng tài liệu quy trình các bộ phận, Bamboo Airways đang được sự hỗ trợ lớn từ Boeing và các đối tác sẵn có.
“Hiện các bộ phận nòng cốt đã được tập huấn và trang bị đầy đủ kiến thức, chứng chỉ liên quan để làm chủ Boeing 787. Các công đoạn kỹ thuật đang được rốt ráo hoàn thiện để sớm đệ trình cơ quan chức năng kiểm chứng ngay sau khi tiếp nhận máy bay, theo tiêu chí đảm bảo đúng các quy định của Cục Hàng không, của ICAO, châu Âu và nhà chức trách Hoa Kỳ. Việc nhận được chứng chỉ AOC bổ sung trong quý IV/2019 sẽ là lực đẩy lớn giúp Bamboo Airways sớm đưa vào khai thác hiệu quả dòng máy bay thân rộng này”, ông Nguyễn Ngọc Trọng nhấn mạnh.
Xem chi tiết báo Giao thông đăng tải.