Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

Doanh nghiệp Dệt may 'trống trơn' đơn hàng, chật vật trong bão Covid-19

DTVN 14:29 10/08/2020

Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng xuất khẩu của hai quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp

Doanh nghiệp dệt may lao đao vì Covid-19

Theo số liệu từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn đều sụt giảm, đòi hỏi phải thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu.

Tính riêng Quý II/2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) giảm 36% so với cùng kỳ. Không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường xuất khẩu giảm mạnh.

Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp đã phải chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng nhằm đáp ứng tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các nguồn lực, phát triển thị trường ngách, nhận những đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, ngay từ giữa năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị đã gần như quay trở lại bình thường, các đơn hàng truyền thống bắt đầu được sản xuất, tuy nhiên, khi xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng và đều buộc phải chuyển hướng sản xuất.

"Ngành dệt may có những đặc thù riêng, khác với các ngành khác, đơn hàng đã ký với khách hàng là phải trả hàng đúng hạn, tuy vậy, bản thân khách hàng cũng đang trong bối cảnh của toàn thế giới, họ có những thông cảm và chia sẻ, trong đó có những đơn hàng có mà tính chất hơi đặc biệt, bất khả kháng thì hai bên sẽ thương thảo với nhau, gia hạn thời gian giao hàng.

Tình hình diễn biến dịch bệnh nóng lại, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp sẵn sàng sản xuất khẩu trang. Các doanh nghiệp cũng đã rất có kinh nghiệm trong việc sắp xếp, chuyển đổi từ sản xuất quần áo bình thường sang sản xuất khẩu trang" - ông Hiếu cho biết.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng âm trong những tháng qua và chưa có dấu hiệu trững lại. Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu thực tế, trong Quý I/2020 ngành dệt may đã tăng trưởng âm hơn 2%, trong 6 tháng đầu năm âm 16,67% và con số này chưa biết đến bao giờ mới dừng lại. Dệt may là ngành chịu tác động rất rất lớn từ đại dịch Covid-19.

Theo ông Cẩm: "Trong mấy tháng 5 và tháng 6/2020 không có một chỉ tiêu nào là phát triển, tất cả đều tăng trưởng âm, có những chỉ tiêu 70% để chúng ta thấy dịch tác động đến ngành dệt may lớn như thế. Sắp tới, chúng tôi còn đang rất lo lắng vì nhiều chuyên gia cho rằng có thể bắt đầu từ Quý III/2020 mới là thời gian ngấm đòn vì dịch bệnh Covid-19 đối với các ngành đông lao động như dệt may. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thách thức rất lớn".

Cũng là ngành sản xuất sử dụng lực lượng lao động lớn, từ đầu năm đến nay ngành da giày phải “chật vật” để duy trì hoạt động. Với những khó khăn về vốn, đầu ra cho sản phẩm vẫn đè nặng lên đôi vai của nhiều doanh nghiệp.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp lớn cũng đã giảm 50% đơn hàng. Mặc dù đến nay, tổng quan các doanh nghiệp gia công da giày vẫn có số lượng đơn hàng để cầm cự, tuy nhiên, có một thực trạng là đối với doanh nghiệp lớn đã phải cắt giảm 30% nhân công, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 70% nhân công. Một trong những khó khăn nữa của ngành da giày là vấn đề vốn. Doanh nghiệp gia giày đã có các kiến nghị chính sách, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.

"Nếu như từ giờ đến tháng 10/2020, tình hình dịch có thể khôi phục lại được, có lẽ các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có thể cầm cự và vượt qua được. Song như chúng ta cũng thấy rõ là dịch thì không ai có câu trả lời bao giờ hết.

Nếu như 1 năm nữa, dịch mới thoát ra, câu trả lời rõ ràng là không phải phía doanh nghiệp mà cả Nhà nước chúng ta phải có một kịch bản ứng phó" - bà Thanh Xuân cho biết.

Nửa cuối năm 2020 sẽ là thời điểm thực sự khó khăn của ngành dệt may

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trước những thách thức, khó khăn hiện hữu trong những tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã được lên kế hoạch và dự báo khá sát so với kết quả hiện tại. Ông cho rằng, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, quý III và quý IV của năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.

"Hiện nay, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động", ông Lê Tiến Trường cho biết.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, mặc dù các mặt hàng chủ lực của May 10 nhiều năm qua như: Veston, sơ mi cao cấp, quần âu… cầu giảm sút rất mạnh nhưng nhờ chuyển đổi sang khẩu trang vải, khẩu trang y tế và đồ bảo hộ, nên công ty trụ vững hết quý II/2020.

Quý III và IV/2020, thị trường khẩu trang sẽ dần bão hoà, vì vậy công ty sẽ phải tiếp tục sản xuất đồ may mặc. Nhưng với tình trạng dịch bệnh tiếp tục bùng phát tại nhiều quốc gia, đầu ra sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn, thiếu ổn định.

Đại diện Tổng Công ty May 10 cho hay: Thông thường, các đơn hàng được nhận trước từ 3 - 6 tháng, nhưng với tình hình hiện tại, các đơn hàng dệt may gần như đóng băng, tháng nào nhận hàng tháng đó, không còn nhận trước 3 - 6 tháng như trước kia. Dự kiến, từ thời điểm hiện tại đến cuối năm, lượng hàng được đặt giảm từ 30 - 50%.

Ở góc độ thúc đẩy khai thác thị trường nội địa, đại diện Vitantex cho hay, mặc dù quy mô của thị trường nội địa nhỏ (chỉ chiếm 10% đối với năng lực của ngành), tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn cần được quan tâm như là một giải pháp cho tâm lý người lao động, khích lệ tinh thần sử dụng hàng Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã tập trung khai thác trị trường nội địa với các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng chuyển sang may khẩu trang, trang phục bảo hộ PPE trong nỗ lực duy trì được việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/doanh-nghiep-det-may-trong-tron-don-hang-chat-vat-trong-bao-covid-19-d80461.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Dệt may 'trống trơn' đơn hàng, chật vật trong bão Covid-19 tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh