Thương hiệu mì gói hai con tôm Miliket và thị trường mì ăn liền đang bão hòa
Miliket là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa (1972) và Lương thực thực phẩm Miliket (1995). Hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào tháng 4/2004, với tên gọi Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket để thực hiện cổ phần hóa.
Có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, nhãn hiệu mì ăn liền Colusa - Miliket với hình ảnh hai con tôm được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích và gần như độc chiếm thị trường thời gian dài. Đây là một trong những sản phẩm thực phẩm phổ biến nhất Việt Nam. Giá thành rẻ, tiện lợi, hương vị phù hợp từng có giai đoạn Miliket chiếm tới 90% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.
Thế nhưng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đang thay đổi. Ban lãnh đạo Colusa - Miliket từng nhận định một trong những thách thức là thị trường mì ăn liền đang bão hòa khi người tiêu dùng có xu hướng "cao cấp hóa", chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm đắt tiền và giàu dinh dưỡng.
Năm ngoái, công ty phải dùng nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng, trong đó có quảng cáo để nhắc nhờ thương hiệu và tìm kiếm khách hàng tại những thị trường xuất khẩu mới.
Để tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành trong bối cảnh miếng bánh thị phần ngày càng chia nhỏ, Colusa Miliket sản xuất thêm nhiều chủng loại sản phẩm khác như mì chay, hủ tiếu, cháo thịt bằm, phở gói, tương ớt... Công ty cũng vạch ra chiến lược gia công theo đơn đặt hàng để nâng tổng sản lượng cả năm trên 20.000 tấn.
Lợi nhuận 25 tỷ đồng/năm là một con số khiêm tốn?
Trong năm 2019, mặc cho doanh thu tăng 4% nhưng lãi sau thuế mà Miliket thu về lại giảm 4%. Cụ thể, Công ty báo doanh thu thuần hơn 622 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó tăng 3%, thể hiện hơn 150 tỷ đồng. Ước tính thì mỗi ngày, Công ty có doanh thu 1,7 tỷ đồng.
So với lợi nhuận gộp, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể. Cụ thể, chi phí bán hàng năm 2019 ở mức hơn 94 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với năm trước; trong đó chi phí hỗ trợ bán hàng chiếm đến gần 46 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận hơn 32 tỷ đồng, gia tăng 28% so với con số năm 2018.
Sau cùng, Miliket báo lãi sau thuế năm 2019 gần 25 tỷ đồng, giảm 4%. Với kết quả này, Công ty mới chỉ thực hiện hơn 90% chỉ tiêu về doanh thu và 95% chỉ tiêu về lợi nhuận đề ra.
Lợi nhuận 25 tỷ đồng/năm là một con số khiêm tốn so với các đại gia trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ vỏn vẹn 48 tỷ đồng không thay đổi trong hơn 10 năm qua, chủ thương hiệu mì hai con tôm đạt tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ ấn tượng hơn 50%.
Công ty vượt kế hoạch doanh thu nhưng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Tổng tài sản hơn 244 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Chênh lệch tăng chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn khi chỉ tiêu này chiếm hơn 224 tỷ đồng, tăng 11%.
Trong cơ cấu sở hữu hiện tại của Miliket, các cổ đông Nhà nước chiếm 51% vốn với hai pháp nhân Tổng công ty Lương thực Miền Nam (31%) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (20%).
Doanh nghiệp này còn hai cổ đông lớn là Công ty Mesa (20%) và ông Trịnh Việt Dũng (10%). Trong đó, công ty Mesa là đơn vị phân phối lớn nhất của Miliket. Chủ tịch Mesa, bà Lưu Thị Tuyết Mai cũng đồng thời làm chủ tịch HĐQT của Miliket.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra, việc người dân tích trữ nhiều đồ ăn chế biến sẵn như mì gói có thể giúp doanh số bán hàng của Công ty gia tăng và thu về kết quả ấn tượng trong tương lai.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ