Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tính từ ngày 29/1 đến 5/2), các hệ thống cảnh báo, giám sát an toàn không gian mạng đã ghi nhận và hướng dẫn cơ quan, tổ chức khắc phục hơn 240 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Trong số hơn 240 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, số cuộc tấn công lừa đảo (phishing) chiếm gần 74% với gần 180 cuộc. Hơn 60 cuộc tấn công cài mã độc (malware) và chỉ có 1 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface).
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng đã tiếp nhận hơn 500 phản ánh về tin nhắn rác qua đầu số 5656 và đã yêu cầu nhà mạng chặn hơn 9.679.600 tin nhắn rác.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tháng 1 đã ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 1.383 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Nhiều cuộc tấn công mạng tại Việt Nam vào đầu năm 2022. Ảnh minh họa
Cụ thể, trong số 1.383 sự cố, có 197 cuộc tấn công giả mạo (phishing), 125 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface), 1.061 cuộc mã độc (malware), tăng 10,29% so với tháng 12/2021.
Tháng 1 cũng ghi nhận số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 879.342 địa chỉ, giảm 9,29% so với tháng 12/2021.
Nguyên nhân số cuộc tấn công mạng vẫn tăng so với tháng trước là do tháng 1 là tháng cuối năm âm lịch 2021 và số ca mắc mới Covid-19 vẫn gia tăng nhiều tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, cũng như diễn biến lây lan nhanh của biến thể Covid-19 Omicron. Do vậy, các đối tượng tấn công mạng đã lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội đối với tình hình dịch bệnh Covid-19, việc tiêm vaccine liều tăng cường thứ 3 để tăng cường tấn công mạng, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo nhằm chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng cũng như của tổ chức.
Cũng theo các nhà bảo mật, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu các cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới. Bên cạnh đó, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh tại Việt Nam tăng đột biến do ảnh hưởng của COVID-19, và đây cũng chính là môi trường lý tưởng để virus bùng phát, lây lan mạnh.
Theo kết quả từ Chương trình đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân, do Tập đoàn Bkav thực hiện tháng 12/2021, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam tiếp tục ở mức rất cao, khoảng 24.400 tỷ đồng. Năm 2021, có 70,7 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus.
Số lượt máy tính bị virus mã hoá dữ liệu tấn công trong năm 2021 lên tới hơn 2,5 triệu lượt, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020. Đa số người sử dụng Việt Nam vẫn còn lúng túng, chưa biết cách ứng phó khi máy tính bị mã hoá dữ liệu. Hơn 99% người tham gia Chương trình đánh giá an ninh mạng 2021 của Bkav chọn làm theo hướng dẫn trả tiền với hy vọng lấy lại được dữ liệu của mình từ hacker. Cách làm này không những có thể không lấy lại được dữ liệu, mà còn mất tiền oan.
Theo các chuyên gia của Bkav, người sử dụng vẫn có thói quen dùng phần mềm không bản quyền, không được cập nhật thường xuyên, dẫn tới máy tính không được bảo vệ liên tục.
"Chỉ khoảng 10% máy tính đang sử dụng tại Việt Nam được trang bị phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật và có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất. Một con số quá nhỏ để xây dựng được một hệ 'miễn dịch cộng đồng'. Mỗi máy tính bị nhiễm mã độc là nguồn tiếp tục lây nhiễm virus cho các máy tính khác", ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho biết.
Bkav khuyến cáo người sử dụng cần trang bị ngay phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật cho máy tính. Đây sẽ là những liều "vaccine" cần thiết để bảo vệ máy tính của bản thân và toàn cộng đồng. Vì vậy, người sử dụng cần phòng vệ một cách chủ động, thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn cho dữ liệu, đặc biệt cần có cơ chế sao lưu dữ liệu định kỳ.
Trong năm 2022, các chuyên gia Bkav nhận định các cuộc tấn công bằng mã độc vẫn sẽ gia tăng nếu người dùng không hành động sớm, quyết liệt, vấn đề bảo đảm an ninh trên các thiết bị IoT (Internet of Things) cần được quan tâm đúng mức khi triển khai trên diện rộng. Tấn công chuỗi cung ứng cũng tiếp tục là xu hướng và sẽ là mục tiêu "lý tưởng" của hacker trong năm tới.
Ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 75 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu. Càng ngày, mạng lưới kết nối giữa các thiết bị IoT càng trở lên rộng khắp với số lượng lớn người dùng khác nhau, khiến vấn đề an ninh trên các thiết bị này trở nên phức tạp. Mỗi thiết bị IoT đều có thể trở thành một mắt xích bị tấn công, hay con đường để hacker xâm nhập vào hệ thống của cá nhân, tổ chức.
Hầu hết các cuộc tấn công xảy ra trong năm qua đều có quy mô lớn, nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Cũng vì những ảnh hưởng vô cùng lớn của hình thức tấn công này mà các nhóm hacker đang dần chuyển mục đích tấn công từ tài chính sang chính trị. Nguồn lợi tài chính khổng lồ, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng… là những điều khiến tấn công chuỗi cung ứng sẽ vẫn là xu hướng tấn công phổ biến mà hacker hướng tới trong những năm tới.