Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Loạn giá, loạn chất lượng sâm Ngọc Linh trước Tết Nguyên Đán

vietq 11:17 19/01/2022

Cận Tết Nguyên Đán các doanh nghiệp, cá nhân lại quảng cáo, đăng bán sâm Ngọc Linh rầm rộ trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng hoang mang, khó phân biệt hàng thật, giả.

Cụ thể, nick name “Hạnh My” bán sâm Ngọc Linh ngâm rượu 2,6 lít với giá 2,9 triệu đồng. Theo lời người này, lý do nên mua sâm Ngọc Linh đi biếu, tặng dịp tết vì sâm thể hiện sự sang trọng, quý giá và có nhiều công dụng như: xoa dịu cơn đau trong tế bào não, điều hòa thần kinh, giảm đau, phục hồi gan, giải độc gan, tăng cường trí nhớ, thậm chí, người này còn "vống" sâm có tác dụng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư.

Người khác cũng bán sâm Ngọc Linh ngâm rượu như trên nhưng chỉ với giá 1 triệu/1 bình. Người bán này cam kết sâm mình bán là hàng chính hãng, sâm rừng và bao giá toàn thị trường sâm. Theo quan sát của PV, sâm được ngâm trong lọ thủy tinh, nước màu vàng nhạt và in bao bì “sâm Ngọc Linh quý nhất thế giới”, do đó nếu nhìn bằng mắt thường thì người mua khó phân biệt được chất lượng thật của sâm.

Sâm Ngọc Linh "tung hoành" giá, chất lượng trước thềm Tết Nguyên Đán

Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh không chỉ ngâm rượu mà còn được bào chế thành mứt được giới thiệu làm thủ công, không chất bảo quản. Mứt sâm Ngọc Linh gồm nhiều loại như mứt rim đường phèn, rim mật ong rừng, rim đường phèn và mật ong. Giá mứt sâm Ngọc Linh được bán với giá từ 400-600 nghìn đồng/1kg.

Theo ghi nhận của PV, sâm Ngọc Linh không chỉ rao bán trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử mà theo thông tin báo chí đăng tải thì hiện xung quanh trung tâm TP Kon Tum và các thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều thấy các biển hiệu, cửa hàng hay những doanh nghiệp lớn kết nối với nhau bán sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Tuy nhiên, tại các cơ sở, cửa hàng bày bán đủ các loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum đều nhận được câu trả lời không có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Thay vào đó là các nhân viên cho biết quét mã QR trên nhãn tem để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chứng minh cái gọi là… “hàng thật”.

Nói tới sâm Ngọc Linh tự nhiên hiện vô cùng hiếm. Mỗi năm 2 công ty chuyên sâm Ngọc Linh trồng ở Kon Tum chỉ tung ra thị trường khoảng từ 20 - 30 kg sâm Ngọc Linh củ, với giá tối thiểu 60 triệu đồng, cao nhất 200 - 250 triệu đồng/kg (tính theo năm trồng).

Tại thủ phủ sâm Ngọc Linh Kon Tum, Quảng Nam và trên thị trường hiện nay, đặc biệt là tại các TP lớn như: Hà Nội, TP.HCM... có tình trạng các loại cây họ sâm từ phía bắc, không nguồn gốc, hóa đơn chứng từ rao bán tràn lan. Giá các loại này chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/kg, nhưng “đột lốt” thành sâm Ngọc Linh và được “thổi” giá lên hàng trăm triệu đồng/kg.

Sâm Ngọc Linh được chế biến thành mứt và bán với nhiều mức giá khiến người dùng khó phân biệt được chất lượng

Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Trung Kim - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết, quyền nhãn hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum vẫn chưa cấp cho đơn vị nào trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Kim, lúc trước chưa được bảo hộ bởi Cục sở hữu trí tuệ thì các đơn vị có quyền sử dụng, nhưng bây giờ sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được bảo hộ, nên các doanh nghiệp chưa được cấp quyền mà sử dụng là vi phạm.

Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và giấy chứng nhận nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum chưa cấp cho đơn vị nào, kiểm tra dán nhãn sai vẫn cứ xử phạt. Sắp tới, tập trung kiểm tra, xác nhận, bắt buộc đăng ký cấp quyền mới dán nhãn hiệu lên được.

Thực tế, việc cấp nhãn hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, nhằm đảm bảo chất lượng đúng theo thương hiệu thì giữa các đơn vị chức năng vẫn còn “nhập nhằng”, không thống nhất, dẫn đến khó quản lý thị trường sâm.

Theo các chuyên gia, sâm Ngọc Linh tự nhiên có nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt ,còn phần thân hơi tím. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám.

Phương pháp thông thường hiện nay để phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả là test saponin có trong củ mẫu. Thế nhưng phương pháp này cũng không giải quyết triệt để được câu chuyện thật - giả vì saponin cũng có trong nhiều loại sâm khác nhau.

Để bảo vệ giá trị, thương hiệu Sâm Ngọc Linh và quyền lợi người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kiến nghị trong thời gian tới đề nghị Viện Dược liệu đầu tư phương tiện, máy móc hướng tới xét nghiệm DNA để xác định cây sâm Ngọc Linh thật giả. Ngoài ra, người tiêu dùng cần tìm hiểu những địa chỉ uy tín, chất lượng để lựa chọn được sâm Ngọc Linh chính hãng làm quà biếu, tặng tết.

Link gốc : https://vietq.vn/loan-gia-loan-chat-luong-sam-ngoc-linh-truoc-tet-nguyen-dan-d196310.html

Bạn đang đọc bài viết Loạn giá, loạn chất lượng sâm Ngọc Linh trước Tết Nguyên Đán tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h