Không lợi nhuận để giữ chân người lao động
Ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm) cho biết, do đặc thù chuyên về trồng trọt, nếu ngưng hoạt động thì số tài sản là cây trái sẽ hỏng toàn bộ. Do vậy, công ty xác định phải giữ chân người lao động tiếp tục sản xuất, dù rất nhiều khó khăn về vận chuyển, về đầu ra sản phẩm, về giá nguyên liệu đầu vào tăng… nhưng công ty chấp nhận không có lãi, hoặc có thể lỗ để duy trì sản xuất.
Ngày từ khi dịch bắt đầu bùng phát, công nhân tình nguyện tham gia “3 tại chỗ”, ngoài việc hưởng lương như bình thường ra, còn thêm các khoản phụ cấp khác, thu nhập cao hơn bình thường. Những người làm việc tại nhà vẫn hưởng lương. Riêng những người không thể tham gia sản xuất, công ty vẫn trả 50% lương. Suốt mấy tháng qua, Công ty vẫn chăm lo đời sống công nhân đầy đủ, nên hầu như không ai nghỉ việc.
Song song đó, ngay khi có cơ hội, công ty đã tiêm vacxin ngừa Covid-19 mũi 2 đạt 100% cho người lao động. Là doanh nghiệp lớn có tới hàng nghìn lao động, An Thái cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Bình Dương được chứng nhận 3 xanh (nơi sản xuất xanh, nơi ở xanh và người lao động xanh).
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề lao động, công ty đã liên hệ với doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm nhân sự để tuyển số lao động này về.
Tương tự, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân cho biết, không thiếu hụt lao động nhờ chăm lo tốt đời sống công nhân và lên kế hoạch “3 tại chỗ” từ sớm.
Nhà máy và trang trại trứng Ba Huân đều nằm ở các tỉnh thuộc vùng dịch, bao gồm trang trại nuôi gà ở Bình Dương, trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm ở Long An nhưng vẫn phải phải đảm bảo cho người tiêu dùng có sản phẩm an toàn, đừng để đứt gãy chuỗi sản xuất.
”Bằng mọi cách phải động viên anh em thực hiện “3 tại chỗ”, phải tính toán chỗ ăn, chỗ ở tại nhà xưởng cho nhân viên”, bà Huân cho biết. Do sự chủ động trong phòng dịch nên khi bùng phát dịch doanh nghiệp này vẫn đảm bảo vấn đề sản xuất ổn định cho tới nay, đồng thời, đời sống của công nhân và người lao động được đảm bảo tốt.
Tạo niềm tin, chăm lo đời sống cho người lao động
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân nói thêm, để duy trì sản xuất và đảm bảo an toàn dịch bệnh, công ty đã phân thành 3 khu, trong đó, nhân viên tại các trang trại chăn nuôi có nhà ở ngay tại đó và được phục vụ ăn uống đầy đủ, không đi ra ngoài để tránh lây nhiễm. Khối chế biến thực phẩm cũng được sắp xếp tương tự. Còn khối văn phòng thực hiện giãn cách mỗi phòng làm việc chỉ 3 người thay vì cả 10 người như trước.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch của công ty luôn giám sát và theo dõi hoạt động của người lao động về tuân thủ các biện pháp. Riêng với đội vận chuyển và giao nhận được trang bị trang phục bảo hộ. Toàn bộ nhân viên được xét nghiệm hai lần một tuần vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết, nắm bắt tâm lý của người lao động, nếu không chăm lo tốt cho họ thì khả năng sau dịch, nguy cơ thiếu lao động của doanh nghiệp là thách thức lớn. Vì vậy, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, công ty cũng có nhiều giải pháp để ổn định tâm lý cho người lao động thực hiện sản xuất “ba tại chỗ” cũng như những lao động nghỉ việc tại nhà, nhà trọ nên đến giờ công ty không gặp khó khăn về lao động.
Bên cạnh đó, Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cũng nỗ lực tiếp cận để người lao động được tiêm đầy đủ vacxin phòng Covid-19. “Đến nay, đa phần người lao động của chúng tôi đều đã tiêm đủ hai mũi vacxin phòng Covid-19”, ông Dũng nói.
Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) cũng không gặp mấy khó khăn trong việc huy động lực lượng công nhân, người lao động quay trở lại sau dịch.
“Quan trọng nhất là phải tạo cho người lao động niềm tin, để họ thấy khi khó khăn mình không bỏ họ”, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods chia sẻ.
Từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, Duy Anh Foods đã tổ chức 5 đợt hỗ trợ thực phẩm thiết yếu như rau, gạo, mì… tiền mặt để hỗ trợ phần nào cho người lao động trang trải trong thời điểm khó khăn. Song song đó, Duy Anh Foods cũng đẩy nhanh việc tiêm vacxin phòng Covid-19 cho người lao động.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thời gian qua, một bộ phận công nhân lao động rời TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát. Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển, an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.
Trước tình hình trên, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN chỉ đạo Công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả; viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.
Tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trong hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; giúp người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất, giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Một trong những chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thực hiện một số giải pháp hạn chế thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh là tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.