Theo đơn phản ánh của bà H.L, ngày 23/4/2016, bà L. thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt, căng da trán và cắt mí tại bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (84A Bà Huyện Thanh Quan, Phường 9, Quận 3). Người thực hiện căng da mặt cho bà là bác sĩ Giáp còn người cắt mí là bác sĩ Lực.
Theo nội dung đơn của bà L. thì ca phẫu thuật đã không thành công. Liên tiếp sau đó bà được bác sĩ Võ Tiến Huy (Tên thường gọi Huy Kangnam) từ Bắc bay vào Nam để sửa lại lần 2 và bác sĩ Anh sửa lại lần 3 ở Hà Nội nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.
Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam liên tục xảy ra sự cố về kỹ thuật căng da mặt. |
Bà L. cho rằng BVTM Kangnam đã không làm hết trách nhiệm với bà. BVTM Kangnam chỉ trả lại cho bà 129 triệu tiền viện phí và “hỗ trợ” bà một khoản tiền để châm cứu, đắp thuốc và vì bà có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền này không thấm vào đâu so với số tiền gần 20 tỷ đồng bà đã phải bỏ ra để chữa trị suốt mấy năm qua.
Theo bà L., hiện sức khoẻ của bà bị giảm sút rất nhiều, toàn thân bị tê bì, mắt không nhắm kín được, mặt bị lệch hẳn, má trái hõm sâu, trí nhớ bị ảnh hưởng, ăn ngủ không được, sợ gặp mọi người vì xấu hổ và không thể làm việc.
Cuối năm 2019, bệnh nhân nữ tên C.T.L. (SN 1960) cũng đã tử vong sau ca phẫu thuật căng da mặt tại BVTM Kangnam. Thời điểm đó, Sở Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận về ca phẫu thuật.
Qua kết luận của Hội đồng chuyên môn, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Ban Giám đốc của 2 bệnh viện tổ chức họp để phân tích sai sót, rút kinh nghiệm để tránh lặp lại sự cố tương tự…
Bà L. cho biết phải đi châm cứu và chữa trị sau khi căng da mặt tại bệnh viện Kangnam. (Ảnh: Người gửi đơn cung cấp) |
Về phần mình, Sở Y tế cho biết sẽ rút kinh nghiệm chuyên môn cho toàn ngành, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ sở thẩm mỹ nghiêm túc triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo, khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn TP.HCM liên quan đến an toàn người bệnh, các quy định chuyên môn và quy định pháp luật trong hành nghề…
Tuy đã rút kinh nghiệm là vậy nhưng đối với vụ việc của bà L., dù các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh nhưng Sở Y tế TP HCM vẫn “bình chân như vại”. Thực tế hiện nay, việc thả nổi để các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động bát nháo, xử lý trách nhiệm qua loa khi xảy ra sự cố,… không chỉ thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn khiến dư luận hoài nghi về y đức, về dấu hiệu nhóm lợi ích trong hoạt động phẫu thuật thẩm mĩ.