Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Bệnh viện Kangnam thừa nhận PTTM làm liệt dây thần kinh của khách hàng?

Minh Nghĩa/Sở hữu trí tuệ 11:41 06/07/2020

Sau khi bà H.L. lên tiếng tố cáo BVTM Kangnam tắc trách, gây hậu quả nghiêm trọng, phía bệnh viện đã ra thông cáo báo chí, gián tiếp thừa nhận vụ việc?

Phẫu thuật “hỏng” làm liệt dây thần kinh?

Như chúng tôi đã thông tin trước đó, ngày 10/2/2020, bà H.L. (Việt kiều Đức) có đơn phản ánh gửi đến các cơ quan báo chí “tố” Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (BVTM Kangnam, số 84A Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh) tắc trách trong phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) căng da mặt, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, bà H.L. cho biết, ngày 22/4/2016, BVTM KangNam đã thực hiện cho bà liên tiếp 3 dịch vụ PTTM bao gồm: Căng da mặt, căng da trán và cắt mí mắt.

Trụ sở BVTM Kangnam tại 84A Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật tại Kangnam, bà H.L. bị tổn thương dây thần kinh số VII. Và đến nay, sau hơn 4 năm chạy chữa, sức khỏe của bà H.L. vẫn không thể hồi phục, thậm chí ngày càng nặng hơn khi có dấu hiệu lan rộng sang các vùng cơ thể khác.

Liên quan đến nội dung phản ánh của bà H.L, ngày 26/5/2020, BVTM Kangnam ra thông cáo báo chí chính thức thừa nhận có vụ việc.

Cụ thể, BVTM Kangnam xác nhận, bà H.L là khách hàng cũ của bệnh viện, và Kangnam có tiến hành PTTM cho khách hàng này vào ngày 24/4/2016, trùng khớp với thông tin mà trước đó bà H.L. cung cấp.

Đáng chú ý nhất trong thông cáo báo chí, BVTM Kangnam có đề cập đến nội dung sau khi PTTM bà H.L. có dấu hiệu không ổn định, và đã đến tái khám trở lại tại BVTM Kangnam.

“Bà H.L. ra viện đã tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Sau đó, khi phát hiện có dấu hiệu không ổn định, bà H.L. đã đến tái khám tại Bệnh viện. Khi khám sơ bộ, Bệnh viện Kangnam nhận định có thể do tai biến bệnh lý”, thông cáo báo chí của Kangnam ghi rõ.

Như vậy, có thể khẳng định, “dấu hiệu không ổn” mà thông cáo báo chí đề cập xuất hiện sau khi bà H.L. được BVTM Kangnam PTTM căng da mặt.

Vấn đề cần làm rõ lúc này chính là “dấu hiệu không ổn” là gì? Đó có phải là Kangnam đã phát hiện bà H.L. bị tổn thương dây thần kinh số VII hay không?

Chưa kể, nếu bà H.L. bị tổn thương dây thần kinh số VII sau PPTM tại Kangnam, thì việc tổn thương này xuất hiện trước khi bà H.L. xuất viện, hay sau khi bà H.L. xuất viện?

Sở dĩ, cần phải làm rõ các mốc thời gian nói trên, vì: Nếu bà H.L. có “dấu hiệu không ổn” khi chưa xuất viện tại BVTM Kangnam, thì trách nhiệm của Kangnam trong việc này là không thể chối cãi.

Còn nếu, trong trường hợp “dấu hiệu không ổn” xuất hiện trên cơ thể bà H.L. sau khi xuất viện và điều trị tại nhà, thì còn phải đánh giá trên nhiều tác động khác nữa. Vì thông thương, người bệnh phải ổn định sức khoẻ mới được xuất viện.

Trong thông cáo báo chí, mặc dù BVTM Kangnam khẳng định bà H.L. nhập viện vào ngày 24/6/2019 và xuất viện ngay ngày hôm sau 25/4/2016. Song, giấy ra viện của bà H.L. tại BVTM KangNam lại cho thấy, ngày nhập viện đúng là 24/6/2019, nhưng ngày ra viện lại là ngày 16/5/2016. Tức là sau PTTM, bà H.L. phải nằm lại Kangnam đến tận 21 ngày.

Theo ghi nhận của PV, trên website “benhvienthammykangnam.vn” cũng quảng cáo sẽ cắt chỉ hậu phẫu sau 7-10 ngày cho dịch vụ PTTM căng da mặt. Vậy cuối cùng, bà H.L. nằm lại BVTM Kangnam 21 ngày để điều trị cái gì?

Chưa kể, nếu tại thời điểm 21 ngày nằm lại Kangnam, bà H.L. đã bị tổn thương dây thần kinh số VII, thì tại sao Kangnam lại không chuyển bà này sang cơ sở có chuyên khoa về thần kinh để điều trị?

Quảng cáo của BVTM Kangnam ghi rõ sẽ cắt chỉ hậu phẫu sau 7-10 ngày cho dịch vụ PTTM căng da mặt.

Việc chậm trễ này có phải là nguyên nhân khiến bà H.L. phải đối diện với hàng loạt di chứng dù đã PTTM hơn 4 năm hay không? BVTM Kangnam “giam chân” bà H.L. là để che dấu những tổn thương trên cơ thể bệnh nhân ngay tại thời điểm đó?...

Từ việc cung cấp thông tin thiếu nhất quán, BVTM Kangnam khó có thể “phủi bỏ” trách nhiệm trong việc bà H.L. bị tổn thương dây thần kinh số VII sau khi làm đẹp tại cơ sở này.

Đáng nói hơn, đến nay sau 4 năm (2016-2020), bà H.L. phải “chạy ngược chạy xuôi” chữa trị từ trong nước, đến nước ngoài với khoản chi phí “khổng lồ”, thì BVTM Kangnam lại hàm ý “tố” bà này vu vạ, có ý đồ tống tiền 20 tỷ đồng. Vậy, đâu là sự thật?

“Tố ngược” khách hàng tống tiền 20 tỷ đồng?

Ngoài vấn đề chuyên môn, trong thông cáo báo chí ngày 26/5/2020, BVTM Kangnam còn nhấn mạnh, sau thời gian điều trị, mặc dù điều kiện sức khoẻ ổn định, nhưng bà H.L. thường liên hệ và ra điều kiện yêu cầu được hỗ trợ tài chính nếu không sẽ cung cấp thông tin, hình ảnh cho báo chí để hạ uy tín của Kangnam. Do đó, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, BVTM Kangnam ngoài chăm sóc y tế còn nhiều lần hỗ trợ tài chính cho bà H.L.

“Cuối năm 2019, bà H.L. về Việt Nam tiếp tục liên hệ với Bệnh viện Kangnam yêu cầu “hỗ trợ” với những đòi hỏi hết sức phi lý như: thanh toán chi phí chữa trị, phẫu thuật, châm cứu, áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu; chi phí di chuyển từ Đức về Việt Nam và ngược lại; chi phí bồi thường thiệt hại hơn 20 tỷ đồng, đồng thời đe doạ nếu không đáp ứng yêu cầu trên sẽ cung cấp thông tin cho báo chí và gửi uỷ quyền cho Luật sư đại diện thực hiện”, thông cáo báo chí của BVTM Kangnam nêu rõ.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, bà H.L. cho rằng, BVTM Kangnam chỉ đang thông tin “một nửa của sự thật”.

“Tôi có đủ chứng cứ để chứng minh đến tận cuối năm 2019, sức khoẻ của tôi vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các di chứng sau ca PTTM của Kangnam năm 2016. Thậm chí, đến tại thời điểm này, tình hình sức khoẻ của tôi càng tệ, các bác sĩ bên Đức xác nhận tôi mất 50% sức khoẻ do thương tật”, bà H.L. bức xúc.

Ngoài ra, không trốn tránh, Bà H.L. xác nhận, có tất cả 3 lần nhận tiền hỗ trợ của Kangnam, và cả 3 lần đều có viết cam kết rõ ràng.

“Phía Kangnam cam kết tôi sẽ khoẻ lại sau 3, đến 6 tháng, tuỳ theo cơ địa. Họ hứa, sẽ hỗ trợ tôi đến khi khoẻ mạnh hoàn toàn. Nhưng đến nay, Kangnam không chỉ thất hứa, mà còn quay lại tố tôi tống tiền, tôi phải đưa vụ việc này ra toà”, bà H.L. nói thêm.

Tại sao cùng 1 vụ việc, cùng một bệnh nhân, cùng là câu chuyện đó, mà thời điểm năm 2016, 2017, BVTM Kang Nam đã 3 lần ngồi lại và chi tiền hỗ trợ khách hàng. Nhưng đến nay lại tố bà H.L. có ý đồ tống tiền?

Có hay không khi phát hiện những sai sót trong quá trình PTTM căng da mặt, để làm yên lòng khách hàng, đồng thời bảo vệ thương hiệu, Kangnam đã cam kết, thể hiện thiện chí hỗ trợ bà H.L. đến lúc ổn định. Tuy nhiên, khi tình hình bệnh nhân nặng hơn, chi phí quá trình điều trị quá nhiều, thì Kangnam lại “quay lưng” tố khách hàng cũ tống tiền?

Bà H.L. đã phản ứng như thế nào sau thông cáo báo chí của BVTM Kangnam, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/benh-vien-kangnam-thua-nhan-pttm-lam-liet-day-than-kinh-cua-khach-hang-d78755.html

Bạn đang đọc bài viết Bệnh viện Kangnam thừa nhận PTTM làm liệt dây thần kinh của khách hàng? tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h