Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 45 triệu đồng của bệnh nhân

VIETQ 13:58 17/02/2022

Một bệnh nhân đã tố cáo tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin bằng mọi phương thức từ giả mạo bác sỹ, gọi điện thoại tư vấn, chẩn bệnh, dọa bệnh… để lừa số tiền 45 triệu đồng.

Thời gian gần đây, nhiều loại thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá mức, sử dụng nhiều chiêu trò phóng đại, thổi phồng, trong đó có cả việc lợi dụng hình ảnh, giả mạo nhiều tên tuổi y, bác sỹ để lừa dối khách hàng.

Dù cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều cảnh báo với người dân và xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh dùng hình ảnh bác sỹ, bệnh nhân… để quảng cáo nhưng tình trạng trên chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Hệ lụy là rất nhiều người tiêu dùng, bệnh nhân “sập bẫy” những tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng trá hình là thuốc.

Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải loạt bài viết phản ảnh sản phẩm Viên sủi Satuchin (Công ty TNHH thương mại KINDPEAK (Phòng 601, số nhà B5D6, Khu đô thị Cầu Giấy, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) đã được tổ chức kinh doanh sử dụng đủ chiêu trò, mánh khóe để quảng cáo sai công dụng lừa dối khách hàng.

Sau khi loạt bài viết của VietQ được đăng tải, nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả, trong số đó có bệnh nhân đã trực tiếp liên hệ tố cáo tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin lừa đảo số tiền lớn lên tới vài chục triệu đồng.

Cụ thể, là trường hợp chị Trần Thị Vui (SN 1993, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) tố cáo bị tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin lừa mua sản phẩm với tổng số tiền 45 triệu đồng.

Sau khi đọc loạt bài viết của tòa soạn, chị Vui mới tá hỏa mình bị lừa

Trao đổi với PV, chị Vui kể, ngày 24/07/2021 chị xem quảng cáo trên mạng xã với nội dung thuốc Satuchin được sản xuất trên công nghệ nano của Nhật rất tốt trong việc điều trị bệnh trĩ nên đã để lại số điện thoại để nghe tư vấn. Ngay sau đó, chị Vui nhận được cuộc gọi từ số 0339045044 giới thiệu là bác sỹ Hoàng đã về hưu, nhưng mở phòng khám ở Thái Nguyên, nghiên cứu và bào chế thuốc cho người bệnh.

“Quá trình nói chuyện, bác sỹ hỏi tôi về tình hình bệnh thế nào, búi trĩ ra sao rồi sau đó giới thiệu sản phẩm Satuchin. Bác sỹ cam kết, dùng Satuchin sẽ khỏi dứt điểm bệnh trĩ, không tái phát, hoàn tiền 100% với bệnh nhân không đạt hiệu quả. Với mong muốn khỏi bệnh mà tôi đã đặt đơn thuốc gồm 5 hộp, mỗi hộp 3 lọ với số tiền hơn 3 triệu đồng và nhận hàng vào 27/07/2021...”, chị Vui kể lại.

Chị Vui cho biết, quá trình dùng thuốc, giữa 2 bên vẫn có sự tương tác qua lại. Tuy nhiên, sau khi dùng hết 4 hộp thuốc trên chị Vui không thấy bệnh thuyên giảm thì được bác sỹ online tiếp tục “mồi” bằng cách gửi thêm hàm lượng thuốc dùng kết hợp với sản phẩm Satuchin, với số tiền 2,5 triệu đồng và nhận thuốc vào 02/08/2021. Thuốc cũ dùng chưa hết, thì vị bác sỹ kia lại gọi điện gửi thêm loại thuốc khác có tên “Viên trĩ an” với giá 3 triệu đồng/5 hộp, chị Vui nhận vào 08/08/2021.

Tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin đã dùng chiêu trò hoàn tiền để lừa dối người bệnh

Cứ như vậy, dùng được một thời gian thì người này lại gọi điện thăm khám và kết luận chị Vui phải dùng thêm Satuchin với hàm lượng cao để tăng hiệu quả. Tiếp tục nhẹ dạ cả tin, chị Vui lại bỏ ra hơn 4 triệu đồng và nhận thuốc vào 14/08/2021.

“Những lần sau đó, tôi liên tục nhận được cuộc gọi hỏi han bệnh, rồi bảo tôi thuốc nam nên phải dùng đan xen các loại thuốc khác với nhau mới có hiệu quả. Và rồi tiếp tục giới thiệu thêm thuốc tên “Hoa Nam”, hàm lượng cao hơn với giá 4 triệu/4 hộp. Số tiền này được chia làm 2 đợt, đợt 1 thanh toán 2 triệu phía bưu điện, đợt 2 tôi chuyển tới số tài khoản Techcombank 19036041631010, chủ tài khoản là Dương Văn Tú - được giới thiệu là trợ lý của ông Hoàng”, chị Vui cho biết.

Ngoài những lần nêu trên, chị Vui còn liên tục bị “dụ dỗ” mua các loại thuốc khác từ thuốc uống tới thuốc ngâm với tổng số tiền lên tới 26 triệu đồng nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Thất vọng, chị Vui gọi tới ông Hoàng với mong muốn được hoàn tiền thì người này cho biết “đang xem xét hồ sơ” rồi tắt máy “biệt vô âm tín”.

Rất nhiều loại sản phẩm khác được tổ chức kinh doanh Satuchin giới thiệu uống kèm để điều trị bệnh trĩ, mục đích chính là "rút tiền" bệnh nhân.

Trước đó, trong những bài viết của VietQ.vn bóc trần những mánh khéo trong kinh doanh sản phẩm Satuchin, đặc biệt có việc lợi dụng hình ảnh của TS. Bác sĩ Nguyễn Hoàng - nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược Hà Nội để quảng cáo, lừa dối khách hàng. Ông Hoàng phản ánh với VietQ.vn, rất bức xúc, đồng thời khuyên người bệnh nên thận trọng không mua sản phẩm trôi nổi trên mạng.

“Tôi không ký hợp đồng nào với công ty này hết. Trước họ mời tôi tham dự hội thảo để nêu thành phần có trong sản phẩm, rồi cứ vậy họ tự lấy hình ảnh của tôi để quảng cáo, đây là mạo danh. Lâu nay có rất nhiều bệnh nhân gọi cho tôi hỏi về sản phẩm Satuchin, tôi khẳng định đây không phải bài thuốc của tôi”, ông Hoàng cho biết.

Nội dung bài tiếp theo VietQ sẽ tiếp tục thông tin thêm những mánh khóe, gian dối mà tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin đã sử dụng để tiếp nối hành vi lừa đảo người bệnh.

Trước thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội, Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trao đổi với báo chí như sau: Việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn “chữa khỏi”, là “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh”... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật.
Theo Điều 5 Nghị định 123/2018, việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối.

Link gốc : https://vietq.vn/to-chuc-kinh-doanh-vien-sui-satuchin-bi-to-lua-dao-chiem-doat-hon-45-trieu-dong-cua-benh-nhan-d197200.html

Bạn đang đọc bài viết Tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 45 triệu đồng của bệnh nhân tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống