Dạo quanh thị trường mạng, PV nhận thấy bánh kẹo handmade đã bắt đầu sôi động. Chỉ cần lướt và kích chuột, người tiêu dùng có thể tiếp cận đủ loại sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn.
Tại Facebook “Đậu Lê” đăng bán hàng chục loại bánh handmade như bánh ngói hạnh nhân, bánh romia, bánh quy hạnh nhân trà xanh/caccao, bánh quy socola, bánh hành kẹp phomai... với mức giá từ 40-60 nghìn đồng/100gr, kèm lời quảng cáo như 100% làm từ nguyên liệu thiên nhiên, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Do đó, người mua hàng có cảm giác tin tưởng, an tâm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tương tự, nickname “Ngọc Ly” cũng rao bán kẹo Nougat, giới thiệu được chế biến cùng các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó. Sản phẩm này cũng được quảng cáo không chất bảo quản, phụ gia hóa học, phẩm màu... bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe và bán từ 500 nghìn đồng/1kg.
Hay “bánh chả lá chanh” – đặc sản của Hà Nội cũng được nhái lại làm từ mỡ, lá chanh và các nguyên liệu khác đăng bán công khai trên chợ mạng.
Ngoài thực phẩm handmade, các loại bánh, kẹo, mứt Tết cũng được chào bán với giá khá cao. Cụ thể, mứt cà rốt, gừng dẻo giá 310.000 đồng/kg, mứt dừa, mứt bí 280.000-320.000 đồng/kg. Người bán rao bán sản phẩm mứt dừa không phụ gia, không chất bảo quản, bảo đảm thơm, dẻo, ngon.
Các loại bánh, kẹo handmade không chỉ bán trên mạng mà trên sàn thương mại điện tử cũng sôi động, từ kẹo lạc, kẹo dẻo, kẹo Bonzon... Ngoài ra, tại các phố Hàng Buồm, Hàng Mã, chợ Ðồng Xuân (Hà Nội)... các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán được bày bán nhiều. Theo quan sát của PV, các sản phẩm đa dạng màu sắc, đựng trong túi bóng và bán theo kg.
Có thể thấy, các sản phẩm handmade bán online hay chợ tạm đều là hàng tự phát. Do đó, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo?
Trao đổi với báo chí, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất lạc hậu, công nghệ kém từ không ít các hộ kinh doanh… dẫn đến tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khi các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ… vẫn phổ biến ở nhiều địa phương.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay chưa có quy định cụ thể, chi tiết đối với việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm này. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm đã là thực phẩm thì phải bảo đảm an toàn vệ sinh cho người sử dụng, bất kể bán ở đâu, bằng hình thức nào.
Cụ thể, theo Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá thì thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực…
Luật sư Tài nhấn mạnh, mua sắm thực phẩm là nhu cầu chính đáng của người dân nhất là vào dịp lễ Tết. Tuy nhiên, thực phẩm một khi đã được thương mại hóa, marketing qua mạng xã hội thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm kinh doanh của mình. Vấn đề là quy định như thế nào để người chế biến tại gia có thể tuân thủ, nhằm hạn chế rủi ro về an toàn cho người tiêu dùng.